Bệnh nhân Covid -19 không lo thiếu oxy dịp Tết
Trước tình hình nhu cầu cung ứng oxy y tế ngày càng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đề nghị chuẩn bị các phương án, giải pháp tốt nhất để đảm bảo cung ứng đầy đủ oxy cho bệnh nhân Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán 2022...
Tại hội nghị “Cung ứng oxy cho bệnh nhân Covid-19 và các giải pháp đảm bảo nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán” được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ở một số giai đoạn trước, việc khan hiếm, thiếu hụt oxy cho công tác điều trị bệnh là có thực, diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, thậm chí có lúc, có nơi còn thiếu hụt gay gắt vì vậy không thể để tình trạng này tái diễn trong dịp Tết.
Đại diện cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày (miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày).
Trong điều kiện không có bùng phát dịch bệnh thì lượng oxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành (oxy chủ yếu cho công nghiệp, công nghiệp vừa phục hồi, điều kiện cung ứng vận chuyển…), nên tại một số thời điểm, xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đặc biệt đối với thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thời gian qua.
Để khắc phục việc thiếu hụt oxy, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ Y tế, Bộ ngành liên quan, theo dõi đôn đốc việc cung ứng và có các giải pháp kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc thực hiện các giải pháp vừa qua đã giải quyết được phần nào tình trạng thiếu oxy cục bộ tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ và hiện nay tình hình đã bớt nóng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, có thể xuất hiện “tâm điểm” mới trong bối cảnh chuẩn bị Tết Nguyên đán, nhiều lao động có thể về quê vui Tết, nguy cơ dịch diện rộng, có thể xảy ra dẫn tới thiếu hụt oxy cho bệnh nhân.
Báo cáo về tình hình cung ứng oxy tại Hà Nội, ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh oxy với sản lượng khoảng 58.000 tấn/năm (có thể nâng công suất tối đa 75.000 tấn/năm), đang là nguồn cung cấp khí y tế, đặc biệt là khí oxy phục vụ cho các bệnh viện trên địa bàn.
Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động trong việc liên hệ tới các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, đảm bảo về việc cung ứng hàng hóa, sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm tăng hiệu suất sử dụng, kho dự trữ và có phương án cấp hàng kịp thời cho các bệnh viện trong các tình huống xảy ra.
Với tình hình sản xuất, cung ứng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy tại Hà Nội hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu trong trường hợp có 40.000 người bệnh Covid-19 theo Phương án đã được phê duyệt.
Để chắc chắn đảm bảo đủ oxy y tế trong dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị ngành y tế, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình, dự báo, tổng hợp nhu cầu và đặt hàng cụ thể với các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy (hoặc thông qua Cục Hóa chất, Hiệp hội khí Công nghiệp) để có kế hoạch sản xuất. Đồng thời, ban hành khung giá, chỉ ra đầu mối, điều phối tiếp nhận.
Ngoài ra, các địa phương, cơ sở điều trị bệnh nhân có nhu cầu cung ứng oxy y tế cần chủ động hơn trong việc mua sắm, tăng thêm các thiết bị tích trữ, bảo quản, tách chiết khí; Tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển khí có thể tiếp cận dễ dàng sang chiết kịp thời, đáp ứng nhu cầu nguồn oxy.
Đặc biệt, cần kiện toàn hệ thống phân phối khí ở địa phương. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các ngành chức năng (Giao thông, Công an) và các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương sản xuất kinh doanh phân phối khí lưu thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu oxy trong mọi hoàn cảnh.
Người đứng đầu Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị quản lý thị trường triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bình ổn thị trường oxy, chống tình trạng găm hàng, nâng giá, bán hàng kém chất lượng.