Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại TP.HCM
Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM ghi nhận ca mắc tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm, số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, đã có 4 ca tử vong…
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm, làm việc với một số đơn vị tại TP.HCM nhằm giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại thành phố trong bối cảnh các ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng cao và có diễn biến phức tạp.
Tại buổi làm việc ở Trường Mầm non Thành phố (Phường Võ Thị Sáu, quận 3), đoàn công tác đã kiểm tra tình hình phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Bà Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù đang thời gian nghỉ hè nhưng trường vẫn tổ chức hoạt động và có khoảng 80% trẻ tham gia học hè. Công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ cũng vì vậy được tăng cường chặt chẽ hơn.
Đoàn công tác đã hướng dẫn thêm công tác phòng chống bệnh cho trẻ như các kiểm soát nhiệt độ, dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt, trường phải chú ý những bé có biểu hiện sốt, nổi mụn đỏ ở khu vực tay chân miệng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, và đã có 4 ca tử vong.
Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, những năm trước phải đến tháng 8,9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp. Đáng chú ý, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.
Ông cho biết, đây là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.
Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh. Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống.
Đơn cử, trường hợp của bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, ba ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình.
Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu.
Chia sẻ về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở TP.HCM, GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại. Đối với thành phố, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định với tình hình dịch bệnh hiện tại, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục đến người dân. Đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM phải phối hợp với Sở Giáo dục để giáo dục, phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường. Hạn chế tình trạng lây lan, phát tán các ổ dịch trong trường học.
Trước tình hình phần lớn ca bệnh đều đến từ các tỉnh lân cận, Thứ trưởng cho rằng các bệnh viện, đặc biệt là 4 bệnh viện truyền nhiễm ở TP.HCM phải hỗ trợ và phối hợp với bệnh viện các địa phương để có phân tuyến khoa học, phù hợp. Ca bệnh ở mức độ nào thì nên chuyển lên tuyến trên, ca nào thì có thể điều trị được ở địa phương để tránh tình trạng quá tải.