TP.HCM gặp khó khi dịch tay chân miệng tăng nhanh
Số thuốc dự trữ hiện tại của các bệnh viện chỉ đủ sử dụng trong giai đoạn hiện nay, nhưng sẽ gặp khó nếu tình hình dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới...
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin báo chí định kỳ về tinh hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, chiều tối 08/6/2023, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hải Nam đã xác nhận như trên.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết số ca mắc và trở nặng dịch tay chân miệng tại TP.HCM đang gia tăng và tăng 133,3% trong vòng một tuần trở lại đây, từ ngày 29/5 đến hết ngày 04/6/2023 với số ca tích lũy đến nay là 1.972 ca, đã đặt TP.HCM vào tình trạng khó khăn khi nguồn thuốc đặc trị đang khan hiếm.
Ông Nguyễn Văn Nam dẫn báo cáo từ các đơn vị và cấp cơ sở và cho rằng nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng phân độ nặng là Immunoglobulin và Phenobarbital tiêm truyền. Các loại thuốc đặc trị này đang gặp khó khăn. Cụ thể, số thuốc dự trữ hiện tại của các bệnh viện chỉ đủ sử dụng trong giai đoạn hiện nay nhưng sẽ gặp khó nếu tình hình dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới.
Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị hỗ trợ tìm nguồn cung ứng. Cục quản lý Dược đã có công văn hướng dẫn về nguồn cung ứng thuốc Immunoglobulin và Phenobarbital.
Với thuốc Immunoglobulin, TP.HCM hiện còn hai loại: Human normal immunoglobulin 100 mg/ml và Human Immunoglobulin 5%. Loại Human normal immunoglobulin 100 mg/ml hiện còn 2.344 hộp loại 250 ml và 215 hộp loại 50 ml. Dự kiến giữa tháng 8/2023, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml.
Loại thứ hai là Human Immunoglobulin 5% dự kiến đến cuối tháng 7/2023 nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000 - 6.000 lọ. Hiện số thuốc Immunoglobulin còn tồn kho tại các bệnh viện của TP.HCM là 1.371 lọ.
Với thuốc Phenobarbital, dự kiến đến tháng 7/2023 sẽ có 21.000 ống loại 200 mg/ml về Việt Nam. Riêng với thuốc Barbit (với thành phần chính là phenobarbital) của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 được Cục quản lý Dược cấp phép nhập khẩu, hiện chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Trước tình hình cấp bách này, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế; phải bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị các cơ sở y tế cần chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đưa ra cảnh báo rằng số ca tay chân miệng tăng nhanh trong khi sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa bệnh đã khiến Thành phố đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch.
Theo HCDC, kết quả giải trình tự virus với 6 mẫu bệnh phẩm tay chân miệng tại TP.HCM cho thấy, tất cả đều mắc chủng EV71 kiểu gene B5. Đây là type virus trong nhóm độc lực cao, gây bệnh nặng và lây nhiễm nhanh. Số ca tay chân miệng trong tuần đầu tháng 6 cao gấp 2 lần so với hai tuần trước đó và đã có một bé trai 5 tuổi tử vong.
HCDC nhận định: TP.HCM đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn. Hậu quả của việc này là dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, từ đó có thể gây sai sót, vấn đề nhiễm trùng bệnh viện và lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhi.
Trước đó, ngay 06/6/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ra văn bản khẩn gửi Sở Y tế và các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện và TP.Thủ Đức, yêu cầu chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu tập trung phòng chống bệnh tay chân miệng tại các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Các địa phương, đơn vị xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng.
Thành phố cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng việc thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế. Chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng; phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.