10:19 19/05/2016

"Bệnh thích kiểm tra, nghiện rồi khó sửa"

Hà Đan

Cách quản lý hiện vẫn không thân thiện với thị trường, với doanh nghiệp và đầy rẫy xin cho

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Theo TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề gây cản trở nằm ở các bộ.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Theo TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề gây cản trở nằm ở các bộ.</span>

Đến nay cơ chế một cửa quốc gia (NSW) mới chỉ có được vài bộ tham gia với những thủ tục không ảnh hưởng nhiều đến “lợi ích”, quyền lợi của mình.

Còn những thủ tục mang lại “lợi ích” cho mình thì các bộ cố tình “né” đưa vào NSW. 

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) đã thẳng thắn nói như vậy tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016 do Văn phòng Chính phủ và CIEM tổ chức ngày 18/5.

Đây là Nghị quyết 19 lần thứ 3 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.

Đánh giá về việc thực hiện 3 Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015 và 2016), TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhìn chung các bộ còn chưa tích cực thực hiện nghị quyết 19.

“Trong buổi đối thoại với doanh nghiệp gần đây nhất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, phải coi dân là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng kiểm tra kiểm soát. Đó chính là tinh thần đổi mới mà thủ tướng đã cam kết với doanh nghiệp. Do đó, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 phải truy đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”, ông Cung nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn chứng, để nhập khẩu bông doanh nghiệp phải gửi công văn lên Cục thú y - Bộ NN&PTNT đề xin Giấy phép kiểm dịch thực vật. Tính từ khi gửi công văn đến khi có quyết định kiểm dịch là 7 ngày. Sau đó làm thủ tục mở tờ khai xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu nhập mất 2 ngày. Rồi cũng phải mất 24 giờ sau khi nộp kết quả kiểm dịch hàng mới được thông quan.

“Như vậy ít nhất phải mất 10 ngày doanh nghiệp mới xong thủ tục kiểm dịch hàng hóa” – ông Cẩm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cẩm, mặc dù Nghị quyết 19 đã ghi rõ “chuyển căn bản về hậu kiểm, giảm miễn kiểm tra”, nhưng Bộ Công thương mới đây lại ban hành Thông tư số 37 thay thế Thông tư 32 trước đó lại không đề cập đến việc miễn kiểm tra mà vẫn yêu cầu kiểm tra thông thường, kiểm tra xác xuất...

Thông tư 37 này đã gây khó khăn, phiền nhiễu hơn cho doanh nghiệp khi có lô hàng nhập khẩu về làm mẫu với số lượng chỉ 5-10 mét vải cũng phải bắt buộc đi kiểm định hàm lượng formaldehyt và azodyer, tốn phí kiểm định khoảng 100 USD và mất thời gian thêm cho doanh nghiệp.

“Đã có doanh nghiệp khóc lên khi nhiều năm trời góp ý cho Thông tư 32 trước đó nhưng lãnh đạo Bộ Công thương không chịu thay đổi. Nay đã thay bằng Thông tư 37 thì cũng chẳng khá hơn...”, ông Cẩm bức xúc.

“Ngành dệt may nhiều doanh nghiệp phải nhập máy in về nhưng theo quy định Bộ Thông tin và Truyền thông, muốn được nhập máy in, cấp phép hoạt động máy in thì chủ doanh nghiệp phải có bằng nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên hoặc có giấy chứng nhận do Bộ cấp khi tham gia bồi dưỡng hoạt động in (khoảng 3 - 4 tháng). Trong khi đó lớp học này ngoài miền Bắc không mở, muốn học phải vào Nam học...”, ông Cẩm dẫn chứng thêm.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam bổ sung thêm, mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu bông sợi phải chi cho dịch vụ kiểm dịch khoảng 17-18 tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí cho hàng ngàn người và xe cộ đi lại cửa khẩu. Trong khi đó, kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm dịch lại từ nhiều năm nay cho thấy chưa phát hiện lô hàng nào có sâu, bọ...

“Tại sao không tiến hành kiểm tra theo xác xuất, kiểm tra ngẫu nhiên?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung cũng thẳng thắn: “Trước đây khi làm làm lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tôi đi "hành" doanh nghiệp, nay ngồi bên cạnh doanh nghiệp tôi mới thấy doanh nghiệp khổ trăm đường...”.

Cũng theo ông Trung, để cán bộ quản lý hành được doanh nghiệp là do các văn bản quản lý Nhà nước còn quá bất cập, các quy chuẩn, tiêu chuẩn không phù hợp khiến doanh nghiệp phải chịu trận.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP cũng tỏ ra bức xúc: “Với Bộ Y tế chúng tôi đã có “một chum” văn bản liên quan đến hợp qui, dãn nhãn... gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng khi chuyển lên Bộ trưởng thì Bộ trưởng lại chuyển về Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi đã từng giải quyết nhưng không thoả đáng. Chúng tôi mong muốn được giải quyết sớm, với lãnh đạo bộ chậm giải quyết chẳng làm sao nhưng doanh nghiệp chúng tôi đâu thể dừng sản xuất được, dù chỉ 1 ngày...”.

Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp bày tỏ, TS. Nguyễn Đình Cung kết luận: “Vấn đề gây cản trở nằm ở các bộ. Các bộ trưởng không thay đổi thì khó có thể giải quyết được. Cách quản lý hiện nay vẫn không thân thiện với thị trường, với doanh nghiệp và đầy rẫy xin cho.

Cũng theo ông Cung, các bộ có làm nhưng làm nhỏ giọt không dứt điểm, kéo dài, làm cho có cái để báo cáo... Nhiều nơi còn mắc bệnh “nghiện” kiểm tra, mà nghiện rồi thì khó sửa. Chắc chắn phải có gì đó hấp dẫn lắm người ta mới thích đi kiểm tra...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoành Anh Tuấn bổ sung thêm, không chỉ là ở việc kiểm tra mà vấn đề là đối tượng kiểm tra hiện vẫn định tính, chưa định danh được rõ ràng. Đây là khâu cần làm sớm, dứt điểm trong năm nay, cần cụ thể ra mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu mới phải kiểm tra và hình thức kiểm tra như thế nào...?. Phải làm rõ cái đó mới giảm 34% hàng kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu hiện nay mà Nghị quyết 19 đề ra.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đánh giá, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy hiệu quả chưa cao. Mặc dù chúng ta đã giao nhiệm vụ cụ thể nhưng cơ chế giám sát có chưa đủ mạnh để bắt buộc thực hiện nhiệm vụ đó.

Giảm thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng, không được nhũng nhiễu, không được để tình trạng “tiền dưới gầm bàn”. Nếu thủ tục giải quyết nhanh hơn mà vẫn còn nhũng nhiễu, doanh nghiệp vẫn phải gặp “ông nọ bà kia” thì không phải mục tiêu.

“Muốn làm được phải công khai minh bạch, nếu không có người dân và doanh nghiệp giám sát khó thực hiện được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh...”, ông Hà nhấn mạnh.