06:00 02/03/2022

Bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể chuyển sang hệ thống thanh toán của Trung Quốc?

Hoài Thu

Giới phân tích cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có thể đẩy nhanh việc kết nối hệ thống thanh toán của Nga và Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cũng có lý do để hạn chế việc này...

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Tuần trước, sau khi Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine và triển khai chiến dịch quân sự vào quốc gia láng giềng, Mỹ, Liên minh châu Âu và các đồng minh phương Tây đồng loạt áp lệnh trừng phạt đối với Moscow nhằm gây áp lực để chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Nằm trong gói trừng phạt bổ sung, nhiều ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), đồng nghĩa không thể sử dụng hệ thống này để thực hiện thanh toán với các tổ chức tài chính nước ngoài.

"CỨU CÁNH" TỪ TRUNG QUỐC?

Giới phân tích nhận định, trước tình hình này, Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc.

Theo SCMP, đầu tuần này, cổ phiếu của các công ty hàng đầu tham gia phát triển hạ tầng thanh toán tại Trung Quốc đồng loạt tăng mạnh sau thông tin nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT.

Dù cũng phụ thuộc vào SWIFT để truyền tin xuyên biên giới, CIPS có thể hoạt động độc lập và có đường truyền tin nhắn riêng giữa các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng Nga sẽ mất nhiều thời gian để chuyển sang một hệ thống thanh toán thay thế, dù là Hệ thống Truyền Tin nhắn Tài chính (SPFS) của chính nước mình hay CIPS.

Hiện tại, số lượng các tổ chức tài chính sử dụng CPFS và CIPS thấp hơn nhiều so với SWIFT – hệ thống có sự tham gia của hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.

“Việc này cũng giống như tôi đang dùng ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Đột nhiên tôi bị chặn dùng ứng dụng này và Trung Quốc nói ‘hãy dùng WeChat đi’. OK, tôi sử dụng WeChat. Nhưng tất cả bạn bè của tôi đều ở trên WhatsApp”, Fraser Howie, đồng tác giả của cuốn sách Red Capitalism và là một nhà phân tích độc lập tại Trung Quốc, nói.

TRUNG QUỐC CÓ NHIỀU THỨ ĐỂ MẤT HƠN NGA

Giới phân tích nhận định, áp lực từ phương Tây có thể đẩy nhanh sự kết nối giữa hệ thống thanh toán của Nga và Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh có sẵn sàng hỗ trợ Moscow hay không vẫn là một ẩn số. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không cho phép các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT sử dụng hệ thống thanh toán của mình để lách lệnh trừng phạt, bởi Bắc Kinh đang khá thận trọng trong vấn đề này.

“Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì tình trạng hiện tại trong quan hệ thương mại với Nga. Theo như chúng tôi dược biết, CIPS sẽ là giải pháp tạm thời thay thế cho SWIFT (trong giao dịch thương mại giữa hai bên)”, Igor Szpotakowski, giám đốc nghiên cứu tại Hiệp hội Luật Trung Quốc và cũng là học giả tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết.

Theo nguồn tin của Bloomberg, 2 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc – Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) – đều đang hạn chế cung cấp tài chính liên quan tới hàng hóa của Nga, đặc biệt là bằng đồng USD.

Nằm trong gói trừng phạt bổ sung của phương Tây, Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT - Ảnh: Reuters
Nằm trong gói trừng phạt bổ sung của phương Tây, Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT - Ảnh: Reuters

“Trung Quốc đang cảnh giác với việc mắc kẹt với nhiều khoản nợ xấu của Nga. Đây là lý do để Bắc Kinh ngừng cung cấp tài chính cho thương mại hàng hóa Nga”, Gary Clyde Hufbauer, thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), nhận định. “Tuy nhiên, nếu Moscow tìm ra cách đảm bảo rằng phía Trung Quốc sẽ nhận được thanh toán, vị như bằng cách chuyển vàng sang Trung Quốc làm đảm bảo, thì việc cấp tài chính sẽ được khôi phục”.

Theo giáo sư Zhao Xijun tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, các ngân hàng Trung Quốc sẽ phải đánh giá rủi ro khi giao dịch với các khác hàng Nga, đặc biệt là các lệnh trừng phạt đang được thực thi. Tuy nhiên, Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics cho rằng một số ngân hàng nhỏ của Trung Quốc với ít hoạt động quốc tế có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro này.

Sau khi Iran bị loại khỏi hệ thống SWIFT năm 2012, các ngân hàng của nước này vẫn có thể thực hiện giao dịch thanh toán qua các tổ chức tài chính của bên thứ ba, dù với chi phí đắt đỏ.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua hydrocacbon, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác từ Nga. Ở chiều người lại, Nga sẽ thay thế hàng công nghệ cao thường nhập từ các nước phương Tây bằng sản phẩm của Trung Quốc. Cùng với đó, hệ thống tài chính của Nga cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn với quốc gia châu Á.

“Tuy nhiên, việc tăng cường hợp tác giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) có thể là mối đe dọa lớn với nền kinh tế Trung Quốc”, ông Szpotakowski nhận định. “Việc mở rộng CIPS, kể cả khi hệ thống này trở thành một giải pháp thực sự, chắc chắn sẽ không diễn ra nhanh chóng. Và thực tế là Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn so với Nga”.

Theo ông Szpotakowski, cú lao dốc mạnh và bất ngờ của đồng Rúp đầu tuần này có thể được xem là bài học về điều có thể xảy ra với một đồng tiền quốc gia do lệnh trừng phạt quốc tế và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được điều này.

Còn nhà phân tích Howie cho rằng, hiện tại bản thân Trung Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề trong nước, nên việc chấp nhận rủi ro để hỗ trợ một nước khác là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

“Đừng quên rằng Trung Quốc đang đối mặt cuộc khủng hoảng nợ lớn trong nước… Bản thân họ còn khó có thể giải cứu một tỉnh của mình hay Evergrande – tập đoàn địa ốc chiếm khoảng 3% thị trường bất động sản, vậy thì lấy đâu ra tiền để giải cứu Nga?”, ông Howie bày tỏ quan điểm.