Bị sa thải, buộc thôi việc vẫn có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp
Một trong những điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên, trường hợp khi người lao động bị sa thải, nếu như đủ điều kiện theo luật định thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Luật Việc làm 2013 quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: Chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng).
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp: Hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc có xác định và không xác định thời hạn.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Như vậy, một trong những điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hay trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì sẽ không được hưởng.
Về quy định sa thải người lao động, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 126 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động chỉ được sa thải người lao động trong các trường hợp sau: Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc.
Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
Người lao động vi phạm nội quy lao động như: Bị xử lý kỷ luật kéo dài, đến thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Căn cứ quy định trên, theo luật sư, khi người lao động bị sa thải, nếu như đủ điều kiện theo luật định thì vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động đủ điều kiện có thể làm hồ sơ, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhận trợ cấp thất nghiệp.
“Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp một bộ hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp”, bà Châu thông tin.
Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn; quyết định thôi việc…
Luật Việc làm quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Được biết, bắt đầu từ năm 2022 Cục Việc làm đã triển khai việc tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo thuận tiện cho người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó Cục Việc làm cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...