15:25 24/07/2009

BIDV, Vietnam Airlines công bố thông tin đầu tư vào Campuchia

Nguyễn Hoài

BIDV đã hoàn tất việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC) 100% vốn của Việt Nam

Buổi tối trên đường phố Phnom Penh, thủ đô Campuchia - Ảnh: AP.
Buổi tối trên đường phố Phnom Penh, thủ đô Campuchia - Ảnh: AP.
Ngày 23/7, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như BIDV, Vietnam Airlines đã công bố một số thông tin về hợp tác đầu tư  vào Campuchia trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và hàng không.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia liên tục gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là các hoạt động thương mại và đầu tư.

Theo đó, về thương mại, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là mì ăn liền, sản phẩm nhựa và các sản phẩm truyền thống như thuốc lá, bánh kẹo, ngô giống, hàng gia dụng, rau quả... và nhập khẩu từ Campuchia là gỗ, cao su, nguyên liệu phục vụ ngành may, phụ tùng ôtô... với kim ngạch buôn bán 2 chiều hàng năm tăng trưởng khoảng 40% (năm 2002 là 240 triệu USD, đến năm 2007 là 1.100 triệu USD và năm 2008 là 1.700 triệu USD; dự báo đến năm 2010 là 2.000 triệu USD).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng đều ở mức gấp 5 lần so với kim ngạch nhập khẩu và Việt Nam là nước xuất siêu. Hoạt động thương mại chủ yếu theo con đường trao đổi biên mậu, mang tính tự phát, chưa có định hướng về thị trường và cơ cấu ngành hàng, chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường Campuchia và mối quan hệ hợp tác truyền thống Việt Nam - Campuchia.

Đối với đầu tư, Campuchia là thị trường được Việt Nam chú trọng. Tính đến năm 2007, vốn đầu tư Việt Nam vào Campuchia đã tăng mạnh và  đạt 115 triệu USD, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2009. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thủy điện, khai khoáng và viễn thông.

Hiện đã có một số lượng tương đối khá các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Campuchia và chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính... Một số doanh nghiệp điển hình như: Công ty Vận tải biển Gemadept, Công ty Mai Linh, Du lịch và Thương mại T&T, Toserco, Vinamilk, Acecook, Phân bón Bình Điền, Công ty Bút bi Thiên Long, Sacombank.

Thực tế cho thấy trong những năm vừa qua, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đa phần là các doanh nghiệp nhỏ, tập trung chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm và một vài đơn vị phân phối sản phẩm nhỏ lẻ và trong quá trình hoạt động đầu tư trên thị trường Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được sự liên kết với nhau.

Hai năm gần đây, một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đã có kế hoạch và triển khai hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Campuchia như: Viettel, EVN, Petro Vietnam, TKV, VRG..., góp phần gia tăng quy mô đầu tư của Việt Nam tại Campuchia.

Nhằm tạo cú hích mới cho hiện diện đầu tư và thương mại tại Vương quốc Campuchia, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Vietnam Airlines đã tiến hành khảo sát và đàm phán với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Campuchia để tiến hành các hoạt động đầu tư trong các ngành tài chính, ngân hàng và hàng không.

Đến nay, BIDV đã hoàn tất việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDCC) 100% vốn của Việt Nam, do BIDV và Công ty Phương Nam góp vốn. Ngoài ra, BIDV cũng tham gia đầu tư thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) và mở văn phòng đại diện của BIDV tại Campuchia. Hiện tại, Nhà nước Campuchia đã cấp phép cho các hoạt động đầu tư này.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến chấp thuận để hoàn tất các thủ tục pháp lý về việc lập hiện diện thương mại BIDV tại Campuchia.

Cùng đó, Vietnam Airlines cũng tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng không trong việc cùng với các đối tác của Campuchia góp vốn thành lập hãng hàng không quốc gia của nước này - Cambodia Angkor Air.