12:50 15/02/2023

Biến động nhân sự - Khó khăn hay “thời điểm vàng” để tuyển dụng?

Phúc Minh

Thời điểm đầu năm, việc biến động nhân sự là điều không tránh khỏi, song các doanh nghiệp đánh giá, đây cũng là “thời điểm vàng” để tuyển dụng nhân sự có chất lượng…

Nhu cầu tuyển dụng sôi động thời điểm đầu năm. Ảnh - N.Dương.
Nhu cầu tuyển dụng sôi động thời điểm đầu năm. Ảnh - N.Dương.

Đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn như: chế độ lương bổng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế..., hay đa dạng các kênh tuyển dụng là cách để nhiều doanh nghiệp hiện đang áp dụng để thu hút nguồn lao động có chất lượng trong thời điểm thường có biến động về nhân sự đầu năm này.

CƠ HỘI TÌM KIẾM LAO ĐỘNG CÓ CHẤT LƯỢNG

“Mong có việc làm ổn định” là kỳ vọng của chị Lê Thị Hồng Na (Hoàng Mai, Hà Nội) khi vừa tham khảo qua một vài thông tin tuyển dụng được đăng tải tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Cuối năm 2022, công ty chị Na thực hiện tinh giản biên chế, chị là một trong số những lao động thuộc diện cắt giảm, trước đó chị từng làm nhân viên kế toán cho một công ty chuyển phát nhanh với kinh nghiệm 10 năm, thu nhập từ 15 – 18 triệu đồng/tháng.

Mặc dù vậy, hiện tại chị chỉ muốn sớm tìm được công việc ổn định để có tiền trang trải cho hai con ăn học, mức lương có thể không được như kỳ vọng ở đơn vị cũ. “Tôi chấp nhận mức lương thấp hơn so với công ty cũ, từ 8 triệu đồng trở lên, chỉ mong có việc làm ổn định, trả lương đúng ngày và được đóng bảo hiểm xã hội”, chị Na trải lòng.

Không thuộc trường hợp bị chấm dứt hợp đồng, chị Trần Quỳnh Nga (Hà Nội) muốn tìm kiếm công việc mới để thay đổi môi trường. Chị Nga cho biết, dù đã có đơn vị xác nhận khả năng đi làm cao, song bản thân vẫn còn suy nghĩ và ứng tuyển thêm một vài công ty khác trước khi quyết định nơi làm việc mới. Nói vì lí do “nhảy việc”, chị Nga kể vì chưa thực sự tìm thấy môi trường phù hợp nên chỉ gắn bó vài tháng lại nghỉ, tuy nhiên hiện chị bắt đầu tìm kiếm một công việc ổn định, mức lương từ 7 triệu đồng trở lên.

Việc những lao động như chị Na và chị Nga nghỉ việc trước Tết vì lí do khách quan hay chủ quan là xu hướng biến động nhân sự thường thấy vào thời điểm này của các năm. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đây cũng có thể là những cơ hội để gia tăng tuyển dụng ứng viên có chất lượng, bởi nhu cầu lao động trong quý đầu năm của các đơn vị thường rất lớn để chuẩn bị cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm.

Bà Trần Thị Khánh Tuyền, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính nhân sự quản trị, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Sông Hồng khẳng định: “Thời điểm sau Tết nhân sự biến động lớn, nhưng đây cũng là thời điểm vàng để tuyển dụng. Năm nay, chúng tôi đang tiếp cận được số lượng ứng viên khá nhiều”, bà Tuyền nói và cho rằng, ngoài đến các trung tâm dịch vụ việc làm, sẽ đẩy mạnh đăng thông tin tuyển dụng qua nhiều kênh mạng xã hội khác.

Hoạt động trong lĩnh vực đa ngành nghề, nên hiện đơn vị này đang có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều vị trí như kế toán tổng hợp, nhân viên bán xăng dầu, cửa hàng trưởng xăng dầu, nhân viên xuất nhập khẩu, đặc biệt là nhân viên lái xe, ưu tiên bằng B, bằng E phục vụ việc đưa đón học sinh ở các trường quốc tế, cán bộ công nhân viên ở các khu công nghiệp. Mức thu nhập sẽ dao động từ 8 đến 30 triệu đồng, tương ứng với từng vị trí cụ thể, trình độ của ứng viên và sẽ được thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn trực tiếp.

ĐA DẠNG KÊNH TUYỂN DỤNG, CHẾ ĐỘ CẠNH TRANH

Để tuyển dụng được ứng viên có chất lượng trong thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp đều đưa ra các chế độ về lương, phúc lợi rất cạnh tranh. Ông Phạm Hòang Long, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH đầu tư, thương mại và dịch vụ Long Hưng cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí giám sát bán hàng và nhân viên bán hàng với mức lương tối thiểu 13 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó là các chế độ đãi ngộ khi hoàn thành vượt chỉ tiêu.

Nhân viên tuyển dụng của một đơn vị phỏng vấn ứng viên. Ảnh - N.Dương. 
Nhân viên tuyển dụng của một đơn vị phỏng vấn ứng viên. Ảnh - N.Dương. 

Anh Phan Hoàng Anh, chuyên viên tuyển dụng Mediamart cũng cho biết, hệ thống đang có nhu cầu tuyển dụng các vị trí ở cả khối siêu thị và khối văn phòng, song khối siêu thị cần nhiều hơn. “Các vị trí cần tuyển nhiều là nhân viên bán hàng, nhân viên kho vận giao hàng, lắp đặt, quản lý ngành hàng, số lượng tuyển vài trăm trở lên. Hiện tại chúng tôi có gần 400 siêu thị trên toàn quốc, nên việc tuyển dụng rất lớn”, anh Hoàng Anh thông tin.

Về mức thu nhập, đối với nhân viên bán hàng, giao hàng thì ngoài lương có thưởng doanh số bán hàng, thưởng KPI, trung bình từ 6 đến trên 10 triệu tùy theo từng địa bàn. Còn ở khối văn phòng, mức phổ biến từ 7 đến 10 triệu đồng. “Ngoài đến với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, công ty cũng truyền thông qua hình thức online, các trang mất phí cũng như miễn phí, treo bảng tuyển dụng. Hiện chúng tôi đã tuyển được 50% so với yêu cầu”, anh nói thêm.

Trong khi đó, ngoài việc trả mức lương 7 – 10 triệu đồng/tháng đối với vị trí nhân viên, ông Lương Võ Phong, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Đầu tư và thương mại xuất nhâp khẩu Nam Khang cho biết, để thu hút ứng viên gắn bó, công ty luôn tạo môi trường làm việc công bằng cho tất cả mọi người, cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Nếu người lao động làm tốt, sau 1 – 2 năm sẽ được tăng lương và cân nhắc lên vị trí cao hơn.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện rất sôi động. Ngay sau khi mở lại các phiên giao dịch việc làm sau Tết đến nay đã ghi nhận khoảng 200 doanh nghiệp đăng ký với nhu cầu tuyển dụng rất lớn.

“Với những dấu hiệu này có thể dự báo thị trường lao động sẽ tiếp tục khởi sắc trong quý 1/2023. Qua những quan sát của thị trường qua các năm, có thể thấy đầu năm bao giờ cũng là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu một năm mới, khởi đầu cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh, gắn liền với đó là việc tuyển dụng và sử dụng nhân sự rất lớn”, ông Thành thông tin.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP 

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chỉ riêng trong quý 1/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng từ 100.000 - 120.000 chỉ tiêu, tập trung ở một số lĩnh vực ngành nghề như: Vận tải, logistics, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch, bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Hiện Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp của thành phố và ngành chức năng bám sát tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, làm tốt công tác dự báo tình hình sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng kênh kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động.

Đặc biệt tại các hội nghị tư vấn, hoạt động của sàn giao dịch việc làm định kỳ và các phiên lưu động tại xã, phường, các trường nghề..  sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo ông Thành, việc kết hợp lồng ghép giữa hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua việc thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ngày càng khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ người lao động, là công cụ để phát huy đầy đủ chức năng quản trị thị trường lao động của bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động trực tiếp đến với Trung tâm không chỉ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp mà họ còn mong muốn được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho mình.

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đang đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về thị trường lao động để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống nhằm phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên lâu dài, cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.