09:07 12/10/2011

Biến động tài chính mới vì Slovakia?

Diệp Anh

Theo giới phân tích, việc Slovakia từ chối thông qua mở rộng EFSF có thể sẽ gây ra những biến động mới trên các thị trường tài chính

Chú tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng cuộc khủng hoảng nợ hiện nay đã mang tính hệ thống.
Chú tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng cuộc khủng hoảng nợ hiện nay đã mang tính hệ thống.
Đêm qua (11/10), Slovakia đã bỏ phiếu không thông qua kế hoạch mở rộng quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), bất chấp 16/17 thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chấp thuận bước đi này.

Theo giới phân tích, việc Slovakia từ chối thông qua việc nâng cấp EFSF có thể sẽ gây ra những biến động mới trên các thị trường tài chính.

Trong khi đó, cũng liên quan tới tình hình tài chính châu Âu, hai tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's và Fitch Ratings đã đua nhau hạ bậc tín dụng của một dãy dài các ngân hàng lớn của Tây Ban Nha, xuất phát từ lý do triển vọng kinh tế ngày càng yếu kém của quốc gia này.

Cụ thể, Standard & Poor's thông báo hạ bậc tín nhiệm của 10 tổ chức tài chính Tây Ban Nha, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất nước là Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA). Standard & Poor's cho biết, sở dĩ hãng có bước đi này là bởi môi trường tài chính và kinh vĩ mô của Tây Ban Nha đã trở nên khó khăn hơn so với dự báo trước đó.

Thêm vào đó, theo tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's, nền kinh tế Tây Ban Nha "trong ngắn hạn đang đối mặt với triển vọng tăng trưởng mờ mịt, thị trường bất động sản vẫn còn đình trệ và bất ổn trên các thị trường vốn ngày càng tăng cao”.

Tương tự, Fitch cũng cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của 6 ngân hàng Tây Ban Nha sau khi hạ bậc tín nhiệm của nước này. Cuối tuần trước, Fitch đã quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của Italy và Tây Ban Nha, đồng thời đánh giá triển vọng tiêu cực trước nguy cơ hai nước này không thể đáp ứng được các mục tiêu tài chính.

Theo đó, Fitch hạ một bậc tín nhiệm của Italy từ AA- xuống A+ và hạ hai bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha từ AA+ xuống AA-. Tổ chức định mức này đánh giá triển vọng tiêu cực đối với mức xếp hạng tín nhiệm mới của hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 Eurozone, tín hiệu cho thấy hai nước này có thể tiếp tục bị hạ bậc trong thời gian tới.

Fitch cho rằng cả Italy và Tây Ban Nha đều có khả năng trả nợ nhưng tổ chức này chỉ ra tốc độ tăng trưởng yếu kém của hai quốc gia, và thúc giục Italy tăng cường các nỗ lực cải cách nền kinh tế một cách triệt để. Được biết Italy là một trong những nền kinh tế tăng trưởng ảm đạm nhất trong hơn một thập kỷ qua trên thế giới.

Cũng cuối tuần trước, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s đã cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của Bỉ từ mức Aa1 như hiện nay do mối lo ngại về các rủi ro cấp vốn trong dài hạn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu và sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ bổ sung dành cho hệ thống ngân hàng.

Theo đó, Moody’s chính thức đưa xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ Aa1 của Bỉ vào diện xem xét hạ bậc. Động thái này đồng nghĩa với việc Moody’s sẽ đưa ra quyết định trong vòng 90 ngày tới. Hiện xếp hạng tín nhiệm của Bỉ thấp hơn một bậc so với mức tín nhiệm cao nhất AAA.

Việc ba tổ chức định mức tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới liên tục "đánh" các nền kinh tế châu Âu khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Chưa hết, hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu còn đưa ra nhận định khá sốc về tính hệ thống của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Theo cảnh báo của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng Euro đã lên đến mức có hệ thống và đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu nếu các nước trong khu vực không có những hành động nhanh chóng và dứt khoát.

Ông Trichet đưa ra cảnh báo trên dưới danh nghĩa người đứng đầu Cơ quan đánh giá nguy cơ có hệ thống ở châu Âu (ESRB) thuộc Ủy ban Kinh tế và các vấn đề Tiền tệ của Nghị viện châu Âu, tổ chức do Liên minh châu Âu (EU) thành lập từ khi Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ công với mục đích ngăn chặn nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo ông Trichet, sự liên kết cao trong hệ thống tài chính EU đã làm gia tăng nhanh chóng nguy cơ "bệnh nợ công" lây lan mạnh, đe dọa sự ổn định tài chính trong khu vực và tác động bất lợi đối với các nền kinh tế trong và ngoài châu Âu. Các nước thành viên và các thể chế EU phải theo dõi và phối hợp hành động nhanh chóng.

Nhấn mạnh bất kỳ sự chậm trễ tiếp theo nào sẽ chỉ góp phần làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, ông đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU đưa ra những quyết định rõ ràng liên quan việc tái huy động vốn cho các ngân hàng khu vực và phản ứng dứt khoát nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Trong một diễn biến khác cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, hôm qua, Hạ viện Italy đã từ chối thông qua kế hoạch ngân sách lần đầu của năm 2012 do chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi đề xuất. Theo đó, với tỷ lệ 290 phiếu thuận và 290 phiếu chống, Hạ viện Italy đã bác kế hoạch ngân sách năm 2012 của chính phủ nước này.

Kết bỏ phiếu đã gây ra sự bất ngờ đối với Thủ tướng Berlusconi, song lại là niềm vui cho phe đối lập tại Quốc hội trong bối cảnh họ kêu gọi ông Berlusconi từ chức. Ông Pier Luigi Bersani, thủ lĩnh Đảng Dân chủ đối lập, nhấn mạnh "một chính phủ thất bại về ngân sách, không thể cân bằng được ngân sách và không thực hiện được điều này thì chính phủ đó không thể tiếp tục."

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo trung hữu cho rằng, việc tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ là cần thiết để đảm bảo liên minh cầm quyền hiện nay vẫn kiểm soát một đa số.

Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini công khai bác bỏ việc thủ tướng bắt đầu lôi kéo phe chính trị của mình và nhận định đây là cuộc bỏ phiếu "chưa từng có và mang nhiều ý nghĩa chính trị". Ông kêu gọi một cuộc họp của Ủy ban điều hành Hạ viện để xác định xem nên làm thế nào sau khi kế hoạch ngân sách năm 2012 không được thông qua.

Hàng loạt tin xấu về kinh tế châu Âu đang làm lu mờ dần cam kết chắc nịch cuối tuần trước của hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức, điều vốn được coi là chất xúc tác chính cho các thị trường hàng hóa quốc tế đi lên trong phiên đầu tuần (10/10). Giới đầu tư lo sợ, một tình trạng bán tháo có thể sẽ tái diễn, nếu như được bổ sung thêm kết quả doanh lợi không lạc quan của các công ty Mỹ

Hôm qua, chứng khoán trồi sụt, dầu tăng nhẹ, vàng giảm giá, nhưng chủ yếu là xuất phát từ tâm lý chờ đợi của giới đầu tư đối với những diễn biến trên đây. Việc Slovakia từ chối mở rộng EFSE được công bố sau giờ giao dịch, nên tác động từ vấn đề này còn chưa được thể hiện trên các thị trường.

Dự kiến, trong tuần này, Slovakia sẽ bỏ phiếu lại. Ngoài ra, tuyên bố trợ giúp châu Âu từ phía Nga gần đây cũng có thể mang lại tín hiệu lạc quan mới.