17:25 21/10/2022

Bình ổn thị trường giúp người dân mua được hàng hoá giá hợp lý

Mộc Minh

Nguồn cung hàng hoá ổn định, người dân mua được hàng hoá với giá thấp hơn thị  trường 5%-10% đã góp phần kiềm chế lạm phát…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

TP.HCM đã tạo được nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chất lượng, chủ động và đủ để chi phối thị trường; đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng và luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%. Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của TP.HCM thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

DOANH THU DỰ KIẾN GẦN 1 TỶ USD NĂM 2022

Báo cáo tại hội thảo "Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả" chương trình bình ổn thị trường được tổ chức ngày 21/10/2022, theo Sở Công thương TP.HCM, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố được triển khai lần đầu năm 2002 nhằm ổn định giá cả các mặt hàng Tết trong dịp Tết Nhâm Ngọ 2002.

Từ mục tiêu ban đầu là cố định giá cả mùa Tết, đến nay, sau 20 năm phát triển, chương trình đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung – cầu hàng hóa, giảm các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông…

Hiện trên địa bàn TP.HCM đã xây dựng được 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường; trong đó có 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 45 tỷ đồng, doanh thu đạt 344 tỷ đồng năm 2002, đến năm 2013, TP.HCM đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu của chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng.

Chương trình cũng tạo được sức hút nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia. Cụ thể, từ 2 doanh nghiệp nhà nước, đến nay chương trình bình ổn thị trường đã huy động 69 doanh nghiệp tham gia, như: Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Vinh Phát, Liên Thành, Miti, Vĩnh Tiến, Cholimex, Colusa – Miliket, Sài Gòn Food...

Hơn thế nữa, phần lớn hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM đều đã tham gia, như Saigon Coop, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Satra, Aeon Citimart, GS25…

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:  "Việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không chỉ cho người dân thành phố mà cho tất cả người lao động nhập cư" - Ảnh: AD.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:  "Việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không chỉ cho người dân thành phố mà cho tất cả người lao động nhập cư" - Ảnh: AD.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không chỉ cho người dân thành phố mà cho tất cả người lao động nhập cư, đặc biệt là người dân nghèo, công nhân, người lao động thu nhập thấp - đối tượng chịu tác động đầu tiên và trực tiếp.

Tuy nhiên, sau 20 năm hoạt động, chương trình bình ổn thị trường cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế về vùng nguyên liệu, năng suất, tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn thực phẩm, hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa, hạ tầng logistics... đòi hỏi cần có sự đổi mới, thay đổi để nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2022 – 2032.

MỞ RỘNG BÌNH ỔN CẢ CHUỖI CUNG ỨNG?

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, cho rằng chương trình đã giúp các doanh nghiệp xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Để gia tăng tính hiệu quả và tạo sự đột phá của chương trình bình ổn thị trường, theo bà Chi, doanh nghiệp kỳ vọng các sở, ban, ngành hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối… cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng.

Là địa phương cung ứng chủ lực nông sản cho TP.HCM (chiếm 51% tổng sản lượng), theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, qua thực tế tiêu thụ, có thể khẳng định, hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng giúp nâng cao lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị tạo ra các sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung ứng rau củ quả, hoa cho thị trường TP.HCM cả về lượng và chất.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng cần xác định rõ các mặt hàng bình ổn trong thời kỳ mới - Ảnh: AD.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng cần xác định rõ các mặt hàng bình ổn trong thời kỳ mới - Ảnh: AD.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho rằng cần gắn công tác bình ổn với việc phát triển tổng thể chuỗi giá trị hàng hóa, chuỗi cung ứng; xác định rõ các mặt hàng bình ổn trong thời kỳ mới. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cũng như quy mô ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế tham gia ngày càng nhiều, chương trình bình ổn thị trường cần xây dựng khung pháp lý phù hợp với các cam kết của thị trường quốc tế và nội địa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ sức sản (Vissan), cho trên thực tế, bình ổn thị trường đối với sản phẩm đầu ra, trong khi nguyên liệu đầu vào không được bình ổn giá đã tạo ra nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả tối ưu của chương trình.

Vì vậy, TP.HCM cần xem xét mở rộng bình ổn thị trường cả chuỗi cung ứng từ nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ hàng hóa. Trong những giai đoạn lãi suất ngoài thị trường tăng cao, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi hợp lý; có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ kịp thời những khó khăn phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa…