16:34 15/06/2023

Bộ Công an kiến nghị “kiểm soát quyền lực” của người đứng đầu các bệnh viện trong hoạt động đấu thầu

Đỗ Mến

Ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của nhóm bị can trong vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng chỉ rõ các nguyên nhân và đưa ra kiến nghị cụ thể…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 15/6, cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với ông Nguyễn Minh Quân (cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM) và 7 đồng phạm liên quan đến vi phạm đấu thầu trang thiết bị y tế, gây thiệt hại hơn 81,2 tỷ đồng.

Trong vụ án này, ông Quân được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi. Số tiền ông Quân hưởng lợi từ việc sử dụng nhóm công ty “sân sau” trúng thầu là 103,6 tỷ đồng.

Lời khai của Nguyễn Văn Lợi (giám đốc Công ty Nguyễn Tâm, một trong các công ty “sân sau”) thể hiện, ông Quân ấn định chi bồi dưỡng cho các phó giám đốc bệnh viện này mỗi người 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, sau mỗi đợt bán hàng vật tư tiêu hao của Khoa Răng Hàm Mặt và khoa Thận nhân tạo, Lợi duyệt chi 5% tiền “chi ngoài”.

Theo Bộ Công an, sai phạm tại Bệnh viện Thủ Đức xuất phát hoàn toàn từ hành vi của các cá nhân tại bệnh viện và nhà thầu, không có hành vi thông đồng, bao che từ các cơ quan quản lý.

Bộ Công an đánh giá, đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển nhằm lựa chọn nhà đầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của chủ đầu tư. Đấu thầu ra đời và tồn tại với mục tiêu nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch để lựa chọn ra nhà thầu phù hợp nhất và đảm bảo hiệu quả kinh tế của một dự án đấu thầu.

Đấu thầu mang lại lợi ích to lớn đối với chủ đầu tư, nhà thầu và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, việc đấu thầu trang thiết bị y tế giúp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh…

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được phát hiện, khởi tố và điều tra.

Bộ Công an nhận thấy, nguyên nhân chính là do các bị can đã lợi dụng chủ trương tự chủ tài chính, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động đấu thầu trong bệnh viện… Bên cạnh đó, do cơ chế tự chủ về tài chính, mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, nhưng vẫn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện TP Thủ Đức, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, dẫn đến hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, không được phát hiện, ngăn chặn.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu đã có hướng dẫn với các thông tư, nghị định nhưng còn mang tính chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng hạng mục cụ thể. Hiện các trang thiết bị y tế chỉ phân nhóm, chưa chỉ rõ nhà sản xuất và giá đi kèm trên cơ sở công khai giá nhập khẩu của nhà cung cấp và thống nhất giá của nhiều bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế.

Điều này có thể tạo ra những kẽ hở để trục lợi, lách luật, đẩy giá trang thiết bị, vật tư y tế lên cao.

Trên thực tế, tùy theo nhu cầu và năng lực của đơn vị sử dụng, việc mua sắm trang thiết bị sẽ có sự khác nhau về cấu hình, phần cứng, phần mềm, thời gian bảo dưỡng, bảo trì đi kèm nên cơ cấu giá có sự khác nhau. Thời điểm mua sắm trang thiết bị cũng là một trong những vấn đề có tác động đến cơ cấu giá của sản phẩm.

Hiện quy trình đấu thầu, mua sắm trang thiết bị đang tốn nhiều thời gian. Từ thời điểm đấu thầu đến khi hoàn tất quy trình, thủ tục đưa trang thiết bị vào sử dụng có thể mất nhiều tháng. Thiết bị y tế được xem là “mặt hàng đặc thù” nhưng đang quy định đấu thầu như hàng hóa thông thường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp câu kết với bệnh viện lợi dụng để nâng giá, hưởng lợi bất hợp pháp.

Từ nguyên nhân trên, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị:

Thứ nhất, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các bệnh viện trong hoạt động đấu thầu.

Đặc biệt là các bệnh viện đang áp dụng hình thức tự chủ về tài chính, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm, tránh tình trạng vi phạm mới bị phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực “kiểm soát quyền lực” của người đứng đầu.

Thứ hai, cần nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, nâng giá các sản phẩm. Bộ Y tế cần tổng hợp dữ liệu về trang thiết bị trong toàn quốc, công khai giá trần, giá sàn chi tiết của các trang thiết bị.

Điều này vừa ngăn chặn các công ty thổi giá, vừa chặn đứng ý định móc nối, bắt tay nhau giữa các cá nhân để trục lợi, tránh sai sót trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế và bảo vệ nhân sự của ngành y trong trường hợp không cố ý làm sai.

 

Có 11 cá nhân gồm 8 thành viên Tổ chuyên gia xét thầu và 3 thành viên Tổ thẩm định thầu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ ký hoàn thiện các thủ tục, hợp thức hồ sơ đấu thầu, ấn định cho các công ty “sân sau” trúng thầu.

Cơ quan điều tra xác định, các cá nhân này có dấu hiệu đồng phạm với Nguyễn Minh Quân song họ là những người có quan hệ lệ thuộc, làm công ăn lương, vì chấp hành mệnh lệnh của giám đốc bệnh viện mà thực hiện các hành vi trên. Họ đã thành khẩn khai báo, không được hưởng lợi.

Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự mà có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền theo đúng quy định.