Bộ Công an: Người dân khai báo y tế qua chốt kiểm soát bằng ứng dụng VNEID
Ngày 8/9, Bộ Công an ra mắt ứng dụng VNEID để người dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông qua chốt kiểm soát trên smartphone…
Ứng dụng VNEID cho phép khai báo y tế toàn dân và khai báo di chuyển nội địa. Khi khai báo di chuyển nội địa, người dân sẽ điền vào các trường thông tin về điểm đi, điểm đến, các yếu tố dịch tễ... hoàn tất quá trình này người dân sẽ được cấp một mã QR để xuất trình với cán bộ công an tại chốt kiểm soát dịch Covid-19.
"Ứng dụng dễ sử dụng, an toàn, bảo mật thông tin người dân. Người dân chỉ cần khai báo y tế trước khi qua các chốt kiểm soát để tránh gây ùn tắc giao thông. Quá trình khai báo nêu trên chỉ mất từ 1-2 phút với các bước đơn giản, dễ hiểu và áp dụng."
Đại tá Phùng Đức Thắng, Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an.
Hiện, ứng dụng VNEID có sẵn tại CH Play và App Store
Với ứng dụng khai báo y tế điện tử của Bộ Công an, người dân cần nhập thông tin số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân để hoàn tất quá trình đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản và đăng nhập thành công, ứng dụng yêu cầu người dân cập nhật thông tin về họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú. Sau khi đăng ký thành công bằng số điện thoại, ứng dụng sẽ hiện mã QR để qua các chốt.
Đại tá Phùng Đức Thắng, Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, cho biết: Ứng dụng dễ sử dụng, an toàn, bảo mật thông tin người dân. Người dân chỉ cần khai báo y tế trước khi qua các chốt kiểm soát để tránh gây ùn tắc giao thông. Quá trình khai báo nêu trên chỉ mất từ 1-2 phút với các bước đơn giản, dễ hiểu và áp dụng. Ngoài ứng dụng khai báo y tế VNEID, người dân có thể truy cập website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn khai báo đều hợp lệ.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách trong việc phòng, chống dịch bệnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục C06 chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liên kết với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu cư trú.
CÔNG AN TP.HCM TRIỂN KHAI 100 CAMERA QUÉT MÃ QR
Tại TP.HCM, Công an TP.HCM cũng phối hợp với Cục C06 tiến hành cài đặt và tập huấn sử dụng cho 22 đơn vị của Công an TP.HCM sử dụng 100 camera để quét mã QR di chuyển nội địa trên địa bàn TP.HCM.
"Việc lắp đặt camera tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để thực hiện quét mã QR thay thế cho điện thoại thông minh của cán bộ trực chốt đã mang lại những lợi ích như: hạn chế tiếp xúc gần với công dân, tránh hiện tượng lây nhiễm cộng đồng; sử dụng quét mã QR thông qua webcam cải thiện tốc độ quét so với quét qua camera của điện thoại và camera có sẵn trên máy tính laptop".
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an).
Từ giữa tháng 8, TP.HCM đã xuất hiện tình trạng nhiều chốt ùn ứ trong những ngày đầu triển khai kiểm soát bằng ứng dụng quản lý di biến động công dân vùng dịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về cách thức tổ chức hoạt động của những camera này trong việc quét mã QR, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cho biết: Hệ thống camera được hỗ trợ đọc mã QR hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của C06 (Bộ Công an) tại webiste kiemdich.dancuquocgia.gov.vn, nên không cần cấu hình, cài đặt phức tạp.
Thời gian quét mã QR của camera chỉ mất từ 2-5 giây, sau đó hệ thống của C06 (Bộ Công an) sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân. Ngoài việc các camera được sử dụng để quét mã QR, người dân còn có thể đưa tài liệu, giấy tờ lên trước camera để cán bộ chốt kiểm tra khi có yêu cầu.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, việc lắp đặt camera tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 để thực hiện quét mã QR thay thế cho điện thoại thông minh của cán bộ trực chốt đã mang lại những lợi ích như: hạn chế tiếp xúc gần với công dân, tránh hiện tượng lây nhiễm cộng đồng; sử dụng quét mã QR thông qua webcam cải thiện tốc độ quét so với quét qua camera của điện thoại và camera có sẵn trên máy tính laptop.
Camera có dây nối kéo dài, đặt cố định giữ được khoảng cách, tránh tiếp xúc gây nguy cơ lây nhiễm giữa người khai báo y tế với cán bộ kiểm soát tại chốt. Khoảng cách giữa camera với người khai báo y tế khi xuất trình mã QR tối đa 30 cm.
Tùy từng điều kiện tại chốt, cán bộ tại chốt có thể linh hoạt bố trí camera cho phù hợp; chú ý camera phải đặt tại vị trí ngay ngắn, cố định, tránh tình trạng rơi vỡ ảnh hưởng quá trình sử dụng.
Trước đó, Công an TP.HCM đã thí điểm lắp đặt camera đọc mã QR tại địa bàn Quận 1 và Quận 3, mang lại hiệu quả tích cực. TP.HCM ghi nhận kết quả bước đầu, từ ngày 23/8-6/9 đã phát hiện 63 F0 lưu thông trên đường, đã thu hồi 9 giấy đi đường, đưa vào danh sách báo hủy giấy đi đường 20 trường hợp. Đây là giải pháp sẽ mang lại nhiều lợi ích như: nhanh chóng trong việc kiểm soát tại các chốt, tránh ùn ứ; hạn chế tiếp xúc; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội.