Bộ Công Thương chuẩn bị tiếp nhận NSMO sau khi tách A0 từ EVN
Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thành lập một Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước để vận hành, điều độ hệ thống điện và thị trường điện quốc gia là đòi hỏi khách quan, tất yếu, không phục vụ lợi ích của một cá nhân, tập thể nào..
Chủ trì cuộc họp về việc chuẩn bị tiếp nhận Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) về Bộ Công Thương mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Đây là đòi hỏi khách quan, tất yếu của quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia theo cơ chế thị trường”.
Trước đó, ngày 01/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc tách A0 từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ trương thành lập NSMO trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Quyết định 753/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại NSMO và thị trường điện quốc gia từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.
Triển khai kịp thời các Quyết định trên, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức cuộc họp nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc chỉ đạo của Chính phủ về việc tách A0 ra khỏi EVN để bảo đảm khách quan, công tâm, đóng vai trò điều tiết của Nhà nước trong điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đồng thời đảm bảo sự hoạt động ổn định, liên tục, an toàn, hiệu quả của NSMO.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, A0 và các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương đã thảo luận các ý kiến nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình thực hiện các thủ tục đưa A0 về Bộ Công Thương và đảm bảo các điều kiện hoạt động của A0 sau này theo đúng quy định của pháp luật.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, điện có vai trò rất quan trọng, được xem như “bánh mì” của nền kinh tế. Để sản xuất, cung ứng đủ điện năng cho nền kinh tế, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực (cả nhà nước, xã hội) đầu tư phát triển nguồn, lưới điện. Đồng thời, nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, công tâm trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, cần phải tách A0 ra khỏi EVN để hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật.
“Việc tách A0 và thành lập một Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước để vận hành, điều độ hệ thống điện và thị trường điện quốc gia là đòi hỏi khách quan, tất yếu, không phục vụ lợi ích của một cá nhân, tập thể nào”, Bộ trưởng khẳng định và nhấn mạnh, để vận hành theo nền kinh tế thị trường, EVN không thể vừa là nhà sản xuất, cung ứng điện, vừa điều độ, vận hành hệ thống điện, thị trường điện. Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện và có đầy đủ các cơ quan chức năng, đủ nhân lực thực thi quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đây là đòi hỏi khách quan, tất yếu của quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia theo cơ chế thị trường.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành Quyết định 752, Quyết định 753 và thay một số văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan để vận hành cơ chế này.
Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong việc tách A0 thành NSMO, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:
Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, EVN, A0 triển khai nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được nêu trong các Quy định, Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Nghị quyết của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu quán triệt, thực hiện, nếu vướng mắc cần kịp thời phản ánh với cơ quan chủ trì.
Thứ hai, NSMO tuy độc lập với EVN nhưng đều là hai đơn vị doanh nghiệp nhà nước, được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, hai bên cần có cơ chế phối hợp, cơ chế vận hành chặt chẽ, nhuần nhuyễn.
Bộ trưởng giao EVN và NSMO gửi đề xuất liên quan nội dung trên để Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê chuẩn trước ngày 15/8/2024.
Thứ ba, để NSMO hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn đầu, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN tiếp tục hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện để NSMO hoạt động bình thường cho đến khi tổ chức mới có đầy đủ các điều kiện, cơ chế pháp lý, hướng dẫn, quy định để thực hiện.
Bộ trưởng yêu cầu trước ngày 31/8/2024, Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp cùng NSMO và các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất, sửa đổi bổ sung ban hành mới các cơ chế cần thiết để NSMO hoạt động 1 cách hiệu quả, với tinh thần chung là giai đoạn đầu có thể “chưa hơn, nhưng không thể kém” khi trực thuộc EVN. Giai đoạn tiếp theo cần phải nghiên cứu giúp NSMO hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
Thứ tư, trong dài hạn, yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật Điện lực (sửa đổi) tiếp thu các ý kiến để cập nhật, bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Luật điện lực dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp cuối năm 2024, trong đó chú ý nội dung liên quan tới điều kiện, cơ chế hoạt động của EVN và NSMO.
Bộ trưởng giao các đơn vị: Cục Điều tiết điện lực, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Pháp chế ngay lập tức triển khai các nhiệm vụ cụ thể để hoạt động và bộ máy của NSMO được đảm bảo tính pháp lý, liên tục và hiệu quả. Đồng thời đề nghị, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị liên quan cần lưu ý cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho báo chí và các cơ quan báo chí cũng cần phản ánh trung thực, khách quan để người dân và toàn xã hội hiểu và chia sẻ.