08:39 25/08/2011

Bộ Công Thương: Giá lúa gạo tăng cao là do tin đồn

Y Nhung

Giá lúa gạo trên thị trường gần đây tăng lên là do doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh mua vào vì tin đồn

Năm 2011, theo ước tính Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2011, theo ước tính Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, mức cao nhất từ trước đến nay.
Do lo ngại nguồn cung lúa gạo phục vụ xuất khẩu bị thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh mua vào, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng cao.

Theo một số nguồn tin trong nước, giá gạo tẻ thường bán lẻ tại Hà Nội nửa đầu tháng 8/2011 trung bình ở mức 14.250 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg so với tháng trước; tại Đà Nẵng tăng hơn 200 đồng/kg, lên 16.700 đồng/kg; tại Tp.HCM giá gạo tăng gần 300 đồng/kg, lên mức 12.550 đồng/kg.

Giá các loại lúa nguyên liệu trong tháng 8/2011 cũng tăng mạnh so với tháng 7. Tại An Giang, giá lúa IR 50404 tăng tới 500 đồng/kg, lên mức 6.425 đồng/kg; giá lúa OM 2514 tăng 450 đồng/kg, lên mức 6.600 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá lúa xuất khẩu tháng 8/2011 đã tăng tới 50%.

Đầu vào tăng lên đã khiến cho “giá lúa gạo của Việt Nam tương đối cao, gạo xuất khẩu lên tới 560 USD/tấn, cao hơn 25 - 30 USD/tấn so với gạo của Thái Lan, điều này đã khiến cho thay vì nhập khẩu tiếp 300.000 tấn gạo như đã ký kết từ đầu năm, mới đây Indonesia đã quay sang ký hợp đồng với các nhà xuất khẩu Thái Lan”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay.

Trước tình hình này, tại buổi họp báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa những tháng cuối năm, được tổ chức chiều 24/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã chính thức khẳng định: hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua không có gì đột biến và sản lượng lúa gạo trong nước hoàn toàn có thể phục vụ nhu cầu xuất khẩu trong những tháng tới.

Ông Biên dẫn ra số liệu, tháng 4/2011, xuất khẩu gạo tăng trên 5% so với cùng kỳ, nhưng đến tháng 5, tháng 6, xuất khẩu mặt hàng này lại giảm lần lượt 1% và 0,4%. Sang tháng 7, lượng xuất khẩu mới tăng trên 12%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì ước tính sản lượng thóc của cả nước trong năm 2011 sẽ đạt 41,6 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với sản lượng năm 2010. Sau khi trừ đi lượng tiêu dùng nội địa khoảng 27,5 triệu tấn (bao gồm để giống, ăn, hao hụt và chăn nuôi), lượng lúa hàng hóa dành xuất khẩu khoảng 14,08 triệu tấn, tương đương khoảng 8 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, tính tới ngày 23/8, xuất khẩu gạo cả nước mới đạt 4,9 triệu tấn các loại với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 11,4% về số lượng và tăng 22,26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Như vậy, "lượng gạo tồn kho và dự trữ hoàn toàn đủ để cân đối nhu cầu xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2011 và đầu năm 2012, cũng như đủ sức tham gia bình ổn thị trường", ông Biên nhìn nhận.

Còn lý giải về tình trạng, giá lúa gạo trên thị trường nội địa thời gian qua tăng cao theo lãnh đạo Bộ Công Thương chủ yếu là do tin đồn. Tin nhắn với nội dung Việt Nam đã ký thêm được hợp đồng xuất khẩu 500.000 – 600.000 tấn gạo sang Indonesia và 200.000 tấn với Malaysia được gửi đến hàng trăm chủ doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã khiến các đơn vị kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này đẩy mạnh việc mua vào.

Theo đó, Thứ trưởng Biên cho rằng, VFA cần phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm phát hiện có chế tài đối với việc tung tin gây rối loạn thị trường.

Ngoài ra, ông Biên cũng lưu ý, cam kết tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân khi vận động tranh cử của Chính phủ mới tại Thái Lan, phải tới tháng 11 mới chính thức được triển khai và việc này cũng được thực hiện có lộ trình. Vì vậy, không nên để các đối tượng lợi dụng điều này để tác động đến tâm lý của người dân làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước.