16:51 09/08/2021

Bộ Giao thông vận tải thúc giải ngân đầu tư công "về đích"

Ánh Tuyết

Những tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân, bù phần khối lượng chậm tiến độ và phần khối lượng bị ảnh hưởng do không thi công được trong mùa mưa bão sắp tới…

Giám đốc các Ban quản lý dự án, các chủ đầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công tại hiện trường.
Giám đốc các Ban quản lý dự án, các chủ đầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công tại hiện trường.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 285/TB-BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.

 
"Trong tháng 08/2021 nhiệm vụ phải giải ngân của các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư là 3.076 tỷ đồng theo kế hoạch và giải ngân bù phần chậm kế hoạch tháng 7 khoảng 980 tỷ đồng. Đồng thời, các tháng còn lại của năm 2021 còn phải hoàn thành giải ngân 24.400 tỷ đồng".
Bộ Giao thông vận tải.

Để hoàn thành tốt kế hoạch thực hiện đầu tư công các tháng còn lại của năm 2021, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-BGTVT ngày 14/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Giám đốc các Ban quản lý dự án, các chủ đầu phải tập trung chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thi công tại hiện trường.

Đồng thời, có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh giải ngân, bù phần khối lượng chậm tiến độ và phần khối lượng bị ảnh hưởng do không thi công được trong mùa mưa bão sắp tới. “Yêu cầu trong tháng 8/2021 phải giải ngân được 53% kế hoạch; tháng 9/2021 phải giải ngân tối thiểu được 60% kế hoạch”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Đồng thời, giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục theo dõi chặt chẽ, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư thực hiện theo đúng kế hoạch giải ngân được duyệt; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ xử lý trách nhiệm người đứng đầu Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư có khối lượng giải ngân không đạt yêu cầu vì lý do chủ quan, bao gồm cả các dự án đã giao các địa phương làm chủ đầu tư.   

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư phải thể hiện quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công được giao; quán triệt tinh thần để cải tiến lề lối làm việc trong toàn đơn vị, trong công tác quản lý dự án... phải khắc phục các khó khăn, tập trung hoàn thành tốt các công việc được giao.

Đối với những dự án đã có khối lượng các hạng mục, công trình hoàn thành tại hiện trường nhưng chưa thanh toán cho nhà thầu, yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để thanh toán, giải ngân kịp thời.

Về công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của các dự án.

Đối với các dự án có khó khăn về nguồn vật liệu như đất đắp, cát, đá..., yêu cầu các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư cùng với nhà thầu thi công chủ động, tích cực làm việc với các cấp chính quyền địa phương để giải quyết, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, kịp thời làm việc với các Ban quản lý dựán, các chủ đầu tư để xem xét tình hình thực tế của từng dự án, từng gói thầu cụ thể để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả.

Ngoài ra, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phải quan tâm đặc biệt về đảm bảo nguồn nhân lực thi công, công tác cung ứng vật liệu, vật tư cho công trường theo kế hoạch tổ chức thi công; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi công gắn với việc thực tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của địa phương…

 
Lũy kế đến hết tháng 7 năm 2021, Bộ Giao thông vận tải giải ngân được 44,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương (32,69%). Tuy nhiên, tháng 7/2021 giải ngân chậm so với kế hoạch khoảng 980 tỷ đồng. Phần vốn đã được giải ngân chủ yếu vẫn là chi trả công tác giải phóng mặt bằng, tạm ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước; khối lượng thi công hoàn thành còn thấp.