Bộ Ngoại giao lên tiếng về khả năng Việt Nam áp dụng "hộ chiếu vaccine"
Các cơ quan chức năng của Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang nghiên cứu cơ chế "hộ chiếu vaccine"
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11/3, trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam áp dụng cơ chế "hộ chiếu vaccine", Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhận định đây là biện pháp đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.
"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu tìm hiểu và sẽ kiến nghị điều chỉnh quy định xuất nhập cảnh phù hợp với diễn biến tình hình", Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh việc mở cửa và từng bước khôi phục việc đi lại của người dân và phát triển du lịch phải đảm bảo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết Việt Nam đã và đang trao đổi với một số đối tác có hệ số an toàn cao để triển khai nối lại các đường bay thương mại thường lệ với các đối tác này.
"Riêng đối với Đài Loan, ngày 15/9/2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với các ý kiến nối lại đường bay thương mại quốc tế với Đài Loan. Các cơ quan chức năng hàng không hai bên đã cơ bản trao đổi và thống nhất các quy trình", bà Hằng cho biết. "Về vấn đề thời điểm, tôi cho rằng cần phải trao đổi rất kỹ trên cơ sở phù hợp với diễn biến tình hình diễn biến dịch bệnh của khu vực, trên thế giới và Việt Nam".
Mới đây, trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, hai Bộ trưởng thảo luận về kế hoạch tiêm chủng vaccine và khả năng áp dụng "hộ chiếu" vaccine.
Mới đây, Trung Quốc đã triển khai "chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế", trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp "hộ chiếu vaccine" cho công dân. Tại Đông Nam Á, Thái Lan đang xem xét áp dụng "hộ chiếu vaccine" và miễn cách ly với khách nhập cảnh nhằm mở cửa trở lại ngành du lịch.
Trên thế giới, một số quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển cũng đang phát triển "hộ chiếu vaccine" riêng. Tuy nhiên, tại Anh, hơn 200.000 người đã ký tên vào một bản kiến nghị để được đưa ra tranh luận trước Quốc hội để ngăn chặn việc ban hành giấy chứng nhận vaccine. Những người này cho rằng một chứng nhận như vậy có thể "được dùng để hạn chế quyền của những người đã từ chối tiêm vaccine Covid-19".