07:05 04/08/2022

Bộ Tài chính đề xuất trang bị thêm “áo giáp” cho người mua bảo hiểm

Hoàng Lan

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các nội dung nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với lĩnh vực bảo hiểm trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tới...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ngày 1/8, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2020 đến tháng 7/2022, , Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính đã tiến hành 8 cuộc thanh tra, chủ trì, phối hợp, xử lý giải quyết 395 vụ khiếu nại, tố cá. Trong đó có 381 vụ khiếu nại, kiến nghị, phản ánh và 14 vụ tố cáo. Các vụ khiếu nại chủ yếu là tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bảo hiểm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần đề cập rõ ràng hơn về trách nhiệm, hình thức, mức độ xử phạt doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng như thông tin rõ về quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm ở trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

 

Từ 2020 đến tháng 7/2022, , Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính đã tiến hành 8 cuộc thanh tra, chủ trì, phối hợp, xử lý giải quyết 395 vụ khiếu nại, tố cá. Trong đó có 381 vụ khiếu nại, kiến nghị, phản ánh và 14 vụ tố cáo. Các vụ khiếu nại chủ yếu là tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

Qua đó, người tiêu dùng có thể nắm bắt thông tin kỹ lưỡng, rõ ràng hơn về những lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm của mình trước khi đồng thuận có nên mua hay không mua bảo hiểm. Ngoài ra cũng là để doanh nghiệp ý thức hơn trong việc thực hiện các cam kết với người mua bảo hiểm như trong hợp đồng ký kết. Nếu doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã cam kết thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 và chuẩn bị nội dung cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tới.

Trước đây, Bộ Tài chính từng phối hợp với Bộ Công Thương nhằm phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi doanh nghiệp triển khai.

Tuy nhiên, sau thời điểm 1/10/2019, công tác phối hợp dừng lại do thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cũng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Kể từ ngày 1/10/2019, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ không còn thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để đảm bảo các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, dù không được đăng ký hợp đồng giao dịch mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, Bộ Công thương thực hiện hậu kiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tài chính thực hiện phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đã có những quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng