Bộ Tài chính nghiên cứu triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan
Hệ thống bảo lãnh thông quan sẽ giúp hàng hóa khi thực hiện thủ tục hải quan được giải phóng trong thời gian nhanh nhất
Theo kế hoạch, trong năm 2018-2019, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan tạo thuận lợi thương mại.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, song song với cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế bảo lãnh thông quan cũng sẽ được Việt Nam nghiên cứu triển khai trong nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Cụ thể, theo đơn vị này, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có nhiều thuận lợi hơn so với trước, tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các thủ tục thông quan hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cũng như thực hiện các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa.
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, các bộ, ngành có liên quan triển khai nghiên cứu khả năng áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam.
Theo đó, hệ thống bảo lãnh thông quan sẽ cung cấp phương phức bảo lãnh cho phép doanh nghiệp được giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu và chỉ phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, yêu cầu điều kiện, giấy phép về kiểm tra chuyên ngành sau khi thực hiện thông quan hàng hóa.
Theo Tổng cục Hải quan, tại một số quốc gia, hệ thống bảo lãnh thông quan đã được đưa vào sử dụng từ rất sớm. Điển hình là tại Hoa Kỳ, hệ thống bảo lãnh thông quan được đưa vào sử dụng từ năm 1930, cho phép tách biệt việc thông quan giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu với việc thực hiện các yêu cầu về hồ sơ, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hệ thống bảo lãnh thông quan sẽ bảo đảm cho lô hàng từ việc chi trả chi phí nhập khẩu và thuế cho đến các mục đích chuyên ngành khác. Các đơn vị xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân sử dụng hệ thống này để được bảo đảm rằng họ sẽ tuân thủ tất cả các quy định của Chính phủ liên quan đến thương mại hàng hóa bao gồm đóng thuế, thực hiện các yêu cầu điều kiện, giấy phép… Nhờ đó, hàng hóa khi thực hiện thủ tục hải quan sẽ được giải phóng trong thời gian nhanh nhất.
Tổng cục Hải quan cho rằng, để có thể triển khai hệ thống bảo lãnh thông quan cần có hệ thống pháp luật hoàn thiện, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm với nhiều tiêu chí kỹ thuật, cơ chế hoạt động và phương thức phù hợp với các quy định và điều kiện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự tham gia cải cách, sửa đổi của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan.
Theo kế hoạch, trong năm 2018-2019, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, xây dựng đề án thí điểm áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan và dự kiến đến năm 2020 sẽ thực hiện triển khai đề án thí điểm theo phê duyệt.