Bộ Tài chính: Nói chỉ Vinachem đề xuất tăng thuế phân bón là không công bằng!
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng với phân bón là ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp, nếu cắt nghĩa chỉ là ý kiến riêng của Vinachem thì không công bằng!
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) mới đây đã xin sửaquy định để áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu, từ đó giá thành phân đạm của Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, tạo điều kiện cho tập đoàn xử lý các doanh nghiệp yếu kém.
Tuy nhiên trao đổi tại một cuộc tọa đàm vừa được tổ chức, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, vấn đề Vinachem đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, sản xuất phân bón... là một trong những ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
"Nếu cắt nghĩa đây chỉ là ý kiến riêng của Vinachem, chúng tôi thấy không công bằng cho tập đoàn này. Vấn đề này được bàn rất nhiều và trong Hiệp hội Phân bón cũng đã nêu", ông Tiến giải thích.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, vấn đề này cần rà soát kỹ. Nếu việc tăng thuế này đem lại lợi ích cao hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng định hướng công nghệ cao và công nghệ sạch thì cần xem xét đánh giá tác động để ủng hộ.
Trong khi đó, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, mọi kiến nghị của doanh nghiệp đều được hoan nghênh, khi Vinachem kiến nghị sửa đổi Luật số 71 do Quốc hội khóa 13 ban hành để sửa đổi bổ sung một số điều về luật thuế thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là cần phải xem xét.
"Vinachem kiến nghị sửa đổi thuế giá trị gia tăng của phân bón nhập khẩu là một vấn đề rất lớn. Khi ban hành Luật số 71, chúng ta đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện cho giá phân bón được giảm xuống và đáp ứng mong mỏi của bà con là mua phân bón với giá hợp lý, phục vụ quá trình sản xuất. Tuy nhiên quá trình triển khai Luật này, các doanh nghiệp khó khăn trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần xem xét", ông Hùng nói.
Trước tiên, theo ông Hùng, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá tác động của đề xuất này. Nếu đáp ứng được đề nghị của Tập đoàn sẽ kiến nghị sang Quốc hội xem xét, sửa đổi luật thuế.
"Doanh nghiệp nhà nước thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có nhiều nội dung đề cao tính thị trường. Vấn đề ở đây là sự tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước", vị này nhận định.
Bày tỏ quan điểm trái ngược với ông Hùng, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, đã có luật dứt khoát phải làm theo luật.
"Tuy nhiên ở nước ta, việc thi hành và tuân thủ luật pháp còn yếu, do đó cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo luật. Không chỉ về phía doanh nghiệp, mà còn về phía các cơ quan quản lý cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này, dứt khoát chấm dứt xin - cho với nghĩa là không hợp lý. Xin - cho dứt khoát không được. Xin - cho thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng", ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Đề cập đến câu chuyện của Vinachem, vị chuyên gia này nhận định, cần xem xét rất cụ thể, rất cẩn thận bởi nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng như vậy. Ông cho biết, đã hội nhập thì phải tuân thủ "luật chơi", nên xin giảm thuế là rất khó.
Ở góc độ Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến nhìn nhận việc tăng thuế nếu đem lại lợi ích cao hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng định hướng công nghệ cao và công nghệ sạch thì cần xem xét đánh giá tác động để ủng hộ.
"Hiện nay Vinachem có 4 dự án đang khó khăn, thua lỗ. Việc cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp này phải tôn trọng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng theo Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, đó là theo cơ chế thị trường. Nhà nước, ngân sách không bỏ vốn vào đây", ông Quyết nói.
Ông Tiến cho rằng, theo thị trường có nghĩa, đầu tiên phải cắt giảm chi phí, đổi mới lại cách quản trị, những gì không hơp lý phải bỏ đi. Thứ hai, giá thành sản xuất phải có sức cạnh tranh bán được, nếu sản xuất ra không bán được thì phải dùng biện pháp khác mạnh hơn, chứ không chỉ giải pháp về thuế. Thuế chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ chung và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Luật đã quy định, các thành phần kinh tế phải hoạt động bình đẳng theo luật.
Đối với phân bón, hóa chất, vị lãnh đạo này đánh giá là một trong những tiếng nói chung của các hiệp hội phân bón. Tuy nhiên đối với hóa chất, ông Tiến cho rằng đây không phải là vấn đề căn cơ. Căn cơ nhất là phải xem xét lại mình có gì chưa trọn vẹn, chưa đúng thị trường, còn bao cấp không, cái gì đang trông chờ vào Nhà nước thì bỏ ngay, tập trung nhìn thẳng vào sự thật.
"Cần phải quán triệt tư tưởng nhận thức của Nghị quyết Đảng, Nghị quyết Quốc hội là các doanh nghiệp nhà nước phải đi theo thị trường. Nếu không làm được, không cạnh tranh được với thành phần kinh tế tư nhân thì hãy giải phóng nguồn lực của mình để cho thành phần kinh tế khác phát triển. thực sự phải đổi mới theo cơ chế thị trường", ông Tiến nhấn mạnh.