Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp ICT đi ra nước ngoài
“Chúng ta mà có nhiều công ty công nghệ số xuất sắc, giá trị của mỗi công ty có thể chỉ trăm triệu đô, Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu”…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi gặp gỡ với giới công nghệ thông tin vừa diễn ra. Ông nói, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp Bộ, ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Bộ sẽ "cầm nhịp" về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số. Kế hoạch Năm Dữ liệu số quốc gia sẽ được Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành trong quý 1/2023. Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động xây dựng các kế hoạch hành động, tập trung vào các sáng kiến về dữ liệu, hướng tới tạo ra giá trị từ dữ liệu, đặc biệt là tạo ra nhận thức đúng về dữ liệu.
MANG CÔNG NGHỆ SỐ CỦA VIỆT NAM ĐI MỞ CÕI
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Hùng cho biết năm 2023, sau 3 năm Covid-19, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến, mà còn là, do nơi Việt Nam đến.
Theo ông, thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội. Chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số thì không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. Cũng chính vì sự cạnh tranh này mà Việt Nam có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ. Đây là năng lực cạnh tranh chính để có thể đi ra nước ngoài.
"Để dữ liệu thành đất đai và canh tác trên đó thì tạo ra giá trị. Để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới thành công bằng cách tiếp cận Việt Nam".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Làm công nghệ thì không có chỗ cho sản phẩm trung bình nhưng sản phẩm chất lượng mà giá cao thì lại không đến lượt những doanh nghiệp chưa có tên tuổi quốc tế như chúng ta. Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn đại chúng hoá công nghệ số, khi tất cả các nước, từ giầu đến nghèo, đều đang đẩy nhanh chuyển đổi số một cách toàn dân và toàn diện, Bộ trưởng Hùng nói và nhấn mạnh “đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam”.
Theo ông, các big tech đang phát triển công nghệ số để giải quyết các bài toán to, các nhu cầu phổ quát, tập trung cho các thị trường hàng tỷ người dùng. Như ChatGPT để trả lời các thể loại câu hỏi của tất cả mọi người và vì thế mới đạt mức trung bình khá. Nếu chúng ta dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn, khi mà dữ liệu liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo của chúng ta sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Làm như vậy là cách tiếp cận cá thể hoá, phù hợp với trình độ hiện tại của Việt Nam. Thị trường ở đây là rất phong phú và không hề nhỏ.
Ông cũng cho rằng chúng ta hay nói đến công nghệ mới thì tạo ra cái mới có tính đột phá. Nhưng cạnh tranh ở đây là rất lớn và không có chỗ đứng cho nhiều người. Tuy nhiên, còn một thị trường vô cùng lớn khác là dùng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để giải các bài toán cũ, bài toán nhỏ. Bài toán thì nhỏ nhưng giá trị mang lại thì lại rất lớn.
“Hãy thử tưởng tượng, mỗi công chức Việt Nam trong mọi lĩnh vực đều có một trợ lý ảo ở mức chuyên gia thì Việt Nam sẽ thay đổi lớn đến mức nào. Đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ đến mức nào. Bài toán nhỏ thì vô hạn và vì thế mà thị trường cũng vô hạn, có chỗ cho rất nhiều người. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy tìm thấy cơ hội ở đây.
DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ ĐI CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Nước ngoài thì nói đến các Unicorn giá trị tỷ đô. Việt Nam bao năm vẫn rất ít Unicorn. Có thể đó không phải cách Việt Nam. Nếu công ty startup giá trị trăm triệu đô nhưng xuất sắc trong lĩnh vực của mình, sản phẩm và thị trường là số 1 thế giới thì sao? Thì đó là Unicorn Việt Nam. Chúng ta mà có nhiều công ty công nghệ số xuất sắc, giá trị của mỗi công ty có thể chỉ trăm triệu đô, Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ số hàng đầu”, người đứng đầu ngành thông tin cho hay.
Bộ trưởng cũng cho rằng, làm gì thì cũng nên Việt Nam hoá. Tức đi con đường Việt Nam, dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam để không ai có thể bắt chước mình. Cũng nên thời đại hoá thông qua sử dụng công nghệ mới nhất nhưng giải bài toán cũ. “Hãy nhìn cách công ty Huawei của Trung Quốc làm: Dùng các công nghệ mới của thời 3G để làm ra thiết bị 2G tốt nhất và giúp phổ cập hoá điện thoại di động cho 60% phần còn lại của thế giới và qua đó đã trở thành công ty thiết bị hạ tầng viễn thông có thị phần lớn nhất”, ông nói.
Cũng nên đại chúng hoá bằng cách công nghệ thì cao, giá thì rẻ, dùng thì dễ, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều thì sản phẩm càng tốt lên, để đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới được mọi người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; từ báo chí sang truyền thông số; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.
“Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng chính là khát vọng và công nghệ. Báo chí, xuất bản và truyền thông thổi khát vọng “hoá rồng, hoá hổ” ngấm vào từng người Việt Nam. Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam.
Để dữ liệu thành đất đai và canh tác trên đó thì tạo ra giá trị. Để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới thành công bằng cách tiếp cận Việt Nam.
Hãy nghĩ ngược lại và làm khác đi. Bạn “sập bẫy” không phải vì bạn quyết định sai, mà bởi bạn đã quyết định đúng. Chúng ta cố gắng quyết định một cách khôn ngoan dựa trên các dữ kiện trước mắt. Nhưng vấn đề đối với các quyết định khôn ngoan này là mọi người đều làm giống nhau. Đây là lời của tác giả Paul Arden trong quyển sách “Hãy nghĩ ngược lại và làm khác đi”. Quyết định mà đúng, nhưng có hàng triệu doanh nghiệp, hàng tỷ người cũng quyết định như vậy thì cơ hội sẽ rất nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.