09:40 11/03/2010

Bỏ trần lãi suất, biết nghe ai đây?

Người vay tiền và ngân hàng cùng rối khi có thông tin khác nhau từ cơ quan chức năng về chủ trương xóa bỏ trần lãi suất cho vay

 Ông Lê Đức Thúy cho biết do lãi suất cơ bản đã trở thành trần bất hợp lý cả về huy động lẫn cho vay, vì vậy trước đó Chính phủ đã đồng ý và Ngân hàng Nhà nước đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay trung, dài hạn và tiêu dùng.
Ông Lê Đức Thúy cho biết do lãi suất cơ bản đã trở thành trần bất hợp lý cả về huy động lẫn cho vay, vì vậy trước đó Chính phủ đã đồng ý và Ngân hàng Nhà nước đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay trung, dài hạn và tiêu dùng.
Người vay tiền và ngân hàng cùng rối khi có thông tin khác nhau từ các cơ quan chức năng liên quan đến chủ trương xóa bỏ trần lãi suất cho vay.

Tại cuộc họp báo ngày 3/3, sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, diễn ra trong hai ngày 2 và 3/3, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia - cho biết: “Chính phủ đã thiên về hướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết Quốc hội là được phép cho vay thỏa thuận đối với những hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chứ không nói là trung, dài hạn hay ngắn hạn. Và Ngân hàng Nhà nước cần phải xử lý tiếp việc cho vay ngắn hạn cũng được thỏa thuận và gỡ bỏ trần lãi suất huy động 10,5%”.

Ông Thúy cũng cho biết do lãi suất cơ bản đã trở thành trần bất hợp lý cả về huy động lẫn cho vay, vì vậy trước đó Chính phủ đã đồng ý và Ngân hàng Nhà nước đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay trung, dài hạn và tiêu dùng. Chủ trương này, theo ông Thúy, là nhằm ổn định tình hình thị trường.

Thông tin của ông Lê Đức Thúy là có cơ sở vì sau đó, ngày 7/3, Chính phủ ban hành nghị quyết 12 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010, trong đó có nêu “... Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thỏa thuận đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng...”.

Như vậy, bao giờ những khó khăn được tháo bỏ, sự ổn định được trả lại cho thị trường tùy thuộc vào Ngân hàng Nhà nước.

Thế nhưng, trong bản tin ngày 10/3 trên website của Ngân hàng Nhà nước thông tin về cuộc làm việc của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tại Tiền Giang, Long An và Tây Ninh trong ngày 8 và 9/3 với tựa đề giám đốc Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm các sai phạm thì lại nói khác.

Cụ thể như sau: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng “về cơ chế điều hành lãi suất trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước bước đầu cho phép thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với khoản vay trung, dài hạn. Riêng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn cũng đã được nghiên cứu và trong điều kiện pháp luật hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể làm hơn được”.

Dù rằng, ngay sau đó, nội dung của bản tin đã được thay đổi, chỉ còn là: “riêng lãi suất thỏa thuận đối với cho vay ngắn hạn cũng đã được nghiên cứu”, không còn câu “và trong điều kiện pháp luật hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể làm hơn được”. Tuy nhiên, bản tin vẫn dẫn “thống đốc nhấn mạnh, giám đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Chưa rõ bao giờ Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các dự án hiệu quả, gồm cả vay vốn ngắn hạn như nghị quyết của Chính phủ. Nhưng thị trường không thể chờ đợi. Do chỉ được áp dụng lãi suất thỏa thuận cho những khoản vay trung, dài hạn nên một số ngân hàng đã lách bằng cách chuyển khoản vay ngắn hạn theo trần lãi suất sang vay trung, dài hạn để được thỏa thuận lãi suất.

Trước đây, chỉ vì vướng trần lãi suất huy động, ngân hàng phải lách, một mặt trả lãi suất cho người gửi tiền gần 10,5%/năm, còn trả thêm qua khuyến mãi, thưởng tiền, tặng lãi suất... Không huy động được nên chẳng có tiền để cho vay trung, dài hạn trong khi vay ngắn hạn cũng rất cần thiết. Các khoản trả thêm này rồi sẽ được ngân hàng thu lại của người vay thông qua phí. Như vậy trần lãi suất chỉ tồn tại trên hình thức.

Cả thị trường đang phải luồn lách, hướng ra cũng đã có, được đưa ra bởi cơ quan cao nhất là Chính phủ nhưng thị trường vẫn tắc. Điều khó hiểu là đang có độ chênh giữa các cơ quan chức năng, một bên nói cho làm, một bên nói không.

T.TU (Tuổi Trẻ)