17:13 25/10/2013

Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì về tiêu cực trong ngành?

Nguyễn Lê

Báo cáo của Bộ trưởng được hoàn thành vào ngày 21/10, hai ngày sau vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác phi tang nạn nhân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Giữa lúc tiêu cực liên quan đến ngành y đang gây “chấn động” cả xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo gửi đến Quốc hội về “một số hoạt động của ngành y tế được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm”.

Bản báo cáo gồm 5 phần: phản ứng sau khi tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, xã hội hóa công tác y tế, thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 04, đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 tại các cơ sở y tế.

Nội dung cuối cùng trong báo cáo này, là một số vụ việc tiêu cực trong ngành y tế.

Với nội dung thứ nhất, báo cáo cho biết, ngày 10/10 Công an Quảng Trị đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa làm ba trẻ sơ sinh tử vong.

“Trên thực tế, ở một số nước việc sai sót trong quá trình thực hành tiêm chủng (tiêm nhầm thuốc) đã từng xảy ra, điều này không ai mong muốn”, báo cáo nêu rõ.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/10, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chưa nhận được thông báo kết luận của cơ quan công an về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh trong vụ việc trên.

Về vụ việc rút ruột vắc-xin ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Bộ trưởng cho rằng đây là sai phạm có tính chất cá nhân trong việc thực hiện quy định tiêm chủng của Bộ. Cán bộ trực tiếp tiêm chủng đã bị buộc thôi việc. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành kiểm điểm phê bình trước lãnh đạo sở và bị cắt thi đua khen thưởng.

Liên quan đến nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm để trục lợi bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, bà Tiến báo cáo vụ việc đang được điều tra làm rõ hành vi phạm pháp của các đối tượng, còn Thanh tra Bộ đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Bộ Y tế cũng đã phát động phong trào thi đua thực hiện các điều y đức, các quy định chuyên môn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chấp hành pháp luật phòng chống tham nhũng… Song song với phong trào này là phong trào tố giác các sai phạm trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ của cán bộ trong ngành y, qua đó có biện pháp chấn chỉnh ngay từ cấp cơ sở.

Mới được gửi qua e-mail cho các vị đại biểu Quốc hội vào sáng nay (25/10), nhưng bản báo cáo này được hoàn thành vào ngày 21/10,  hai ngày sau vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác phi tang nạn nhân đến giải phẩu thẩm mỹ và bị chết ở thẩm mỹ viện.

Đây là sự việc đã được nhắc đến ở nhiều tổ thảo luận của Quốc hội trong ngày 24/10. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, vụ việc cho thấy đạo đức lối sống đang đi xuống trầm trọng, khi "một người ở cương vị phải cứu người như thế, nhưng lại có hành động đáng lên án, là điều đáng báo động".

Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói vụ việc xảy ra ngoài sự tưởng tượng, suy nghĩ bình thường của mọi người và hướng xử lý hậu quả do bác sĩ đó gây ra cũng vượt quá ngưỡng mà mọi người có thể suy nghĩ được. Vì thế, mức độ chấn động gây ra đối với mọi người trong xã hội rất lớn.

Theo ông Phạm Quang Nghị, thành phố Hà Nội là nơi xảy ra vụ việc nhưng nhiều nơi, nhiều cơ quan ban ngành phải có trách nhiệm cùng xử lý.

Cũng có mặt tại đoàn Tp.HCM vào hôm đó, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không những không chủ động lên tiếng mà còn liên tục lắc đầu và xua tay từ chối đề nghị của báo chí về vụ việc chấn động nói trên.

Cuối phiên thảo luận tổ, phát biểu về “vấn đề đạo đức nghề nghiệp” nói chung, Bộ trưởng nhận định đó là “một sự báo động rất lớn”.  Bà cũng bộc bạch, với trách nhiệm trong ngành thì cảm thấy “rất nặng nề, hết sức đau xót, khổ tâm và day dứt”.

Sáng 25/10, một số phóng viên lại tiếp tục đề nghị bà lên tiếng về vụ việc đang được cử tri rất quan tâm, nhưng vẫn nhận được sự từ chối từ nữ Bộ trưởng.