20:45 05/06/2024

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử

Nhĩ Anh

Liên quan đến vấn đề sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết "quản lý nhà nước thời gian qua đầu tư chưa nhiều để phát triển các công cụ công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. Chúng ta phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng".

PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG CỤ SỐ ĐỂ QUẢN LÝ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Tâm đắc với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung, đoàn Quảng Ninh khi cho rằng dùng công nghệ để quản lý công nghệ, giải pháp quản lý không gian mạng được Bộ trưởng nêu ra đó là thể chế số, công cụ số và con người số (kỹ năng số cho người dân).

Theo Bộ trưởng, thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, từ 20-25% nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số đang theo sau. Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể làm nhanh nhất.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho hay trên sàn thương mại điện tử, có hàng triệu sản phẩm, đi theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý mà cần dùng công nghệ số. Chuyển lên môi trường số thực ra lại tạo ra một cơ hội để quản lý toàn diện, có thể giám sát, phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng phải dùng công nghệ hiện đại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử - Ảnh 1

Bộ trưởng lấy ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo có dấu hiệu sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các nền tảng số, các sàn thương mại điện tử cũng có thể tự xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản, các nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật dựa trên các ảnh chụp vi phạm quảng cáo điển hình do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.

"Việt Nam có thuận lợi đó là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số của ngành có thể giúp Bộ Công Thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử".

Khẳng định điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng kiến nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư cho việc phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.

BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO HỆ THỐNG LƯU TRỮ VÀ XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng nêu rõ việc phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân. Lộ lọt dữ liệu cá nhân, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… có thể dẫn tới tình trạng một người khác mạo danh chúng ta để hoạt động, tiêu tiền mà chúng ta không biết.

Thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, đi kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13). Theo đó quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Cùng với đó, hiện nay, Chính phủ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử - Ảnh 2

Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ Nghị định này.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác về đảm bảo an toàn thông tin tại Chỉ thị số 09 tháng 2/2024 và Công điện số 33 tháng 4/2024, trong đó, thương mại điện tử được coi là lĩnh vực quan trọng cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng lưu ý phải bảo vệ người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung cũng như thương mại điện tử nói riêng. Cùng với đó đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho trên 5.000 website chính thống; đồng thời, công bố các website lừa đảo.

Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như: Kiểm tra xem máy tính, điện thoại di động có bị nhiễm mã độc không; kiểm tra xem thông tin cá nhân có bị lộ lọt hay không; kiểm tra xem một website có phải lừa đảo hay không trên Cổng khonggianmang.vn.

Chiến dịch Tháng hàng động tuyên truyền phòng chống lừa đảo trực tuyến đã được phổ biến đến toàn xã hội, có sự tham gia của 100% các bộ, ngành địa phương và hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội, đã có 21 tỷ lượt xem video tuyên truyền về nhận thức kỹ năng số trên mạng xã hội từ gần 21 triệu người Việt Nam; đã xây dựng cẩm nang an toàn trực tuyến để hướng dẫn người dân kỹ năng an toàn thông tin khi tham gia không giang mạng thực hiện giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ dữ liệu cá nhân lĩnh vực Thông tin và Truyền thông và đã xử phạt các doanh nghiệp vi phạm. Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng cho biết Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để triển khai các công tác trên trong lĩnh vực thương mại điện tử.

 
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến đại biểu thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế; đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử, tính pháp lý của các tài liệu điện tử…
Nếu làm được điều này, chúng ta có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử.  Cùng với đó có thể tích hợp các vấn đề thuế, thanh toán và nếu kết hợp với dữ liệu cá nhân có thể xác định thông tin cá nhân…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động từ định danh, an ninh công nghệ, thanh toán, hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử. Trên môi trường số, chúng ta có thể quản lý một cách thông minh hơn hơn trên môi trường truyền thống.