Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải vụ 2 BOT đặt cách nhau 10 km gây bức xúc
Bộ trưởng khẳng định việc đặt trạm BOT đoạn hầm Đèo cả và trên Quốc lộ 26 dù có bất cập nhưng đều phù hợp với quy định của pháp luật
Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) về việc Trạm thu phí BOT hầm Đèo Cả và Trạm thu phí BOT quốc lộ 26 cách nhau khoảng 10km gây bức xúc trong nhân dân và người đi lại.
Nói về trạm thu phí BOT Đèo Cả, Bộ trưởng cho biết Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành một số hầm lớn trên quốc lộ 1 như là hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và hiện nay đang mở rộng hầm Hải Vân. Bên cạnh các hầm, Tập đoàn Đèo Cả cũng tham gia các dự án BOT trên quốc lộ 1 và trên nhiều quốc lộ. Do đó, việc mà đặt trạm thu phí của BOT Đèo Cả hoàn toàn phù hợp với dự án được duyệt.
"Có những dự án là có hầm, có đường và tập đoàn Đèo Cả chỉ đặt trạm BOT trên phần mà mình đã thực hiện theo đúng quy định là 'xây dựng ở đâu thì đặt trạm ở đó'. Do đó, chúng tôi thấy rằng trạm thu phí của BOT Đèo Cả trên quốc lộ 1 là phù hợp với quy định của pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Về trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 26, theo Thông tư của Bộ Tài chính, khoảng cách giữa các trạm BOT là 60km, còn trong những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của địa phương.
"Như vậy, các trạm BOT trên quốc lộ 1, quốc lộ 26 và trên tất cả các quốc lộ mà hiện nay Bộ Giao thông đang quản lý đều ít nhất có ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh tại nơi đặt trạm BOT. Có những địa phương chúng tôi lấy luôn ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh", Bộ trưởng nhấn mạnh. "Do đó, việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ 26 cũng phù hợp với các quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng hiện nay các trạm BOT này đang gây bức xúc do còn hạn chế, bất cập trong giai đoạn triển khai nhiều dự án BOT và vấn đề liên kết giữa các quốc lộ với nhau.
Do đó, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là giảm chi phí cho các phương tiện ở xung quanh các trạm BOT và đặc biệt đảm bảo chi phí xã hội thấp nhất.
Hàng tháng, Bộ Giao thông vận tải cũng gửi báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đều báo cáo qua Quốc hội và trong các kỳ họp Quốc hội, đề cập đến những vấn đề bất cập tài chính xoay quanh BOT.
"Nếu trường hợp phương án tài chính không đảm bảo hoặc có những giải pháp thay thế thì phải có kinh phí. Chúng tôi rất mong Quốc hội thảo luận, Chính phủ xem xét có những chỉ đạo để chúng ta giải quyết căn cơ cho những vấn đề cụ thể", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Bộ Trưởng cũng cho biết sau buổi chất vấn sẽ gửi văn bản trả lời chính thức liên quan tới vấn đề này cho đại biểu Y Khút Niê.
Cũng liên quan tới vấn đề BOT, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) về việc dừng thu phí của cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây bất cập và hỗn loạn trên tuyến đường. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng việc đảm bảo tuyến đường này theo tiêu chuẩn của đường cao tốc đang gặp khó khăn.
"Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính nghiên cứu, họp và báo cáo rất nhiều lần. Vừa qua, Chính phủ đã họp xem xét đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu phí đường cao tốc. Chúng tôi hy vọng trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ sẽ trình qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi có nghị quyết thì chúng ta sẽ tiến hành thu phí lại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đang trình Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), với một đổi mới là sẽ thu phí trên tuyến đường cao tốc. Bởi vì tuyến đường cao tốc được làm song hành với các quốc lộ và cần phải đầu tư lớn nên chi phí duy tu, sửa chữa lớn.
"Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội quan tâm việc này để thảo luận Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Khi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được ban hành thì chắc chắn việc quản lý, việc thu phí trên các đường cao tốc sẽ tốt hơn", Tư lệnh ngành giao thông nhấn mạnh.