22:01 23/03/2014

Bộ trưởng Thăng nói gì về nghi án hối lộ 16 tỷ đồng?

Song Hà

Bộ Giao thông Vận tải đã phản ứng khá nhanh, sau khi có thông tin một công ty tư vấn Nhật Bản hối lộ để trúng thầu tại Việt Nam

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các cá nhân có liên quan đến dự án, kể cả 
những người đã chuyển công tác, tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang 
được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời
 gian tham gia tại dự án. Yêu cầu trên cũng được thực hiện cả với các 
cán bộ có liên quan đến dự án này đã nghỉ hưu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các cá nhân có liên quan đến dự án, kể cả những người đã chuyển công tác, tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án. Yêu cầu trên cũng được thực hiện cả với các cán bộ có liên quan đến dự án này đã nghỉ hưu.
“Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo chí Nhật đã thông tin, sẽ xử lý nghiêm minh bất kể người đó là ai”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tại cuộc họp khẩn chiều 23/3 với tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhằm xử lý thông tin liên quan đến "nghi án" một nhà thầu tư vấn Nhật Bản đã đưa hối lộ để được nhận thầu một dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

“Lại quả” 80 triệu Yên


Trước đó, vào ngày 21/3, nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin, ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thừa nhận doanh nghiệp này đã đưa hối lộ cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.

Trong đó riêng dự án ODA đường sắt nội đô tại Hà Nội tại Việt Nam có mức chi "lại quả" là 80 triệu Yên (tương đương hơn 16 tỷ đồng), tờ báo trên cho biết.

Hành vi đưa hối lộ của JTC được phát hiện vào tháng 4/2013, khi cục thuế khu vực Tokyo kiểm tra và phát hiện một số khoản chi trái phép nhưng được liệt kê vào chi phí của JTC từ tháng 8/2008 đến tháng 2/2012.

Sau đó, ông Kakinuma đã ký vào biên bản lời khai sau khi bị tổ điều tra thuộc văn phòng công tố Tokyo thẩm vấn, cũng như đã khai chi tiết về thời gian cũng như số tiền cụ thể mà JTC hối lộ cho các quan chức.

Có thể thấy Bộ Giao thông Vận tải đã phản ứng khá nhanh với vụ việc này. Theo thông tin được Bộ cung cấp chiều 23/3, JTC hiện là nhà thầu của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1, hay còn gọi là đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên), vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án này được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 2/2004.

Bắt đầu triển khai từ năm 2008, dự án được chia làm các giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng, thu xếp nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Đến nay, dự án đã tiếp nhận hai khoản vay từ JICA với tổng giá trị 21,271 tỷ Yên.

Đến nay, dịch vụ tư vấn cho dự án đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn và thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2a (đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi), công tác đấu thầu xây lắp chưa được triển khai.

Bộ trưởng Thăng nói gì về nghi án hối lộ 16 tỷ đồng? 1
Đường đi của đồng tiền hối lộ trong vụ việc - Đồ họa: Yomiuri Shimbun.

Nghỉ hưu cũng phải giải trình

Tại cuộc họp chiều 23/3, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt cho biết, ngay sau khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, doanh nghiệp này đã yêu cầu các cán bộ liên quan giải trình.

Đặc biệt, trước mắt sẽ tạm dừng công việc đối với Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt để tập trung thời gian giải trình, cung cấp tư liệu. Phía Tổng công ty cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra, do Tổng giám đốc chỉ đạo để rà soát toàn bộ các thủ tục liên quan dự án.

Còn theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thông tin về nghi án cán bộ đường sắt nhận hối lộ mà báo chí Nhật thông tin là "rất nghiêm trọng", cần phải làm rõ để có báo cáo kịp thời lên Thủ tướng.

“Chủ tịch nước vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, quan hệ Việt - Nhật đã được nâng lên tầm cao mới, là đối tác chiến lược và ngày càng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu. Việc làm rõ thông tin mà báo chí Nhật Bản đưa không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ này, mà càng thể hiện phía Việt Nam thực sự nghiêm túc và quyết tâm cùng bạn chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cũng thể hiện trước nhân dân quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Chính phủ đã đề ra...", ông Thăng nói.

Người đứng đầu ngành giao thông cho biết, ngay trong ngày 24/3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại sứ quán Nhật để thông tin lại cho phía bạn biết về những động thái và quyết tâm của Việt Nam trong việc sẽ kiểm tra, làm rõ thông tin.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giao thanh tra Bộ lập các đoàn thanh tra, thanh tra tất cả các dự án mà JTC đã và đang tham gia, trước mắt là các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt.

Đồng thời, phân công các thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để thanh tra các dự án có vốn vay ODA của Nhật Bản, vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu các cá nhân có liên quan đến dự án, kể cả những người đã chuyển công tác, tạm dừng thực hiện các nhiệm vụ đang được phân công để tập trung giải trình về trách nhiệm cá nhân trong thời gian tham gia tại dự án. Yêu cầu trên cũng được thực hiện cả với các cán bộ có liên quan đến dự án này đã nghỉ hưu. Báo cáo của các cá nhân hoàn thành trước ngày 31/3/2014.

Cùng với đó là dừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2a của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).

Bộ trưởng Thăng cho biết, ngay trong ngày 24/3, Bộ sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ về vụ việc nói trên.

Năm 2008, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) từng khởi tố vụ hối lộ cũng liên quan đến một công ty tư vấn của Nhật Bản, xảy ra ở dự án đại lộ Đông - Tây tại Tp.HCM. Cụ thể, theo thông tin từ phía Nhật, 4 quan chức của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) khai từ năm 2003 đến năm 2006, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đại lộ Đông - Tây, đã hai lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây) để được thắng thầu tư vấn một phần dự án.

Ông Sĩ sau đó đã bị kết án chung thân, rồi được giảm xuống còn 20 năm tù giam tại phiên tòa phúc thẩm về tội "nhận hối lộ".