13:20 23/11/2010

Bộ trưởng, Thống đốc cùng nói về “sốt” vàng và USD

Nguyên Hà

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời về "sốt" vàng và Đô la

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Không nhiều đại biểu chất vấn về cơn “sốt” giá của vàng và Đô la vừa qua, song tại phiên chất vấn sáng nay (23/11), cả Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều đã trả lời về vấn đề này.

Theo đại biểu Trần Hữu Thế thì “vấn đề sốt giá vàng, Đô la của năm 2009 và năm 2010 gần như là một kịch bản”. Nhưng can thiệp của các cơ quan chức năng để giải tỏa như cam kết nhập vàng hay cam kết bán Đô la cho các đơn vị có nhu cầu thanh toán thường chậm.

“Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ đưa ra chiến lược như thế nào để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới để tránh lặp lại?”, đại biểu Thế chất vấn.

“Chính phủ đã thảo luận rất nhiều”

“Lĩnh vực vàng, Đô la thì tôi không phải là người chủ trì”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chậm rãi giải thích. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì việc sốt vàng, giá Đô la cũng có tác động rất lớn đến giá cả nói chung. Tác động trực tiếp là nhập khẩu về nếu tỷ giá mà thay đổi nhất là điều chỉnh tăng thì giá hàng hóa cũng tăng. Đấy là tác động trực tiếp, bởi vì hiện nay chúng ta nhập khẩu rất lớn và cũng còn đang phải nhập siêu.

Thứ hai nữa là tác động gián tiếp, gây ra một tâm lý chung cho xã hội và người dân thấy giá vàng, giá Đô la có biến động thì cũng bị tác động tâm lý dẫn đến mua vàng, mua Đô la dự trữ cũng làm cho cung cầu căng thẳng và tác động lên giá các mặt hàng khác, Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Ninh cũng cho biết, trước tình hình như vậy Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã thảo luật rất nhiều, có đưa ra những giải pháp để can thiệp, để tác động. Như vừa rồi đã điều chỉnh lãi suất, rồi đảm bảo công bố ổn định tỷ giá và đưa Đô la ra can thiệp thị trường, rồi cho nhập vàng ...  

“Việc này cũng đã có trong một lộ trình và trong kế hoạch,  lãi suất, tỷ giá hiện nay chúng ta cũng điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo tín hiệu của thị trường để điều hành”, Bộ trưởng giải thích.

"Đầu cơ vàng rất quyết liệt"

Được mời “trợ giúp” Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết giá vàng năm nay có diễn biến rất bất thường. Ngày 1/7, giá vàng ở thế giới nằm ở khoảng 1.241 USD/ounce, mới đây 9/11 là ngày có giá vàng cao nhất trong lịch sử là 1.424 USD/ounce. “Diễn biến giá vàng thế giới có tác động giá vàng trong nước”, Thống đốc nói.

Về nguyên nhân, theo Thống đốc, chủ yếu là do các nước có nền kinh tế lớn gần đây đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế. Hai là sự đầu cơ của các nhà đầu cơ trên thế giới về vàng rất quyết liệt. Mặc dù không phải là nước sản xuất và xuất khẩu vàng nhưng gần đây hoạt động kinh doanh vàng ở Việt Nam phát triển rất nhanh và đã xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng.

Trước đó, trước khi bắt đầu phiên chất vấn sáng nay, Thống đốc Giàu cũng đã cung cấp cho VnEconomy số lượng vàng, diễn biến xuất nhập khẩu vàng trong những năm gần đây theo số liệu của hải quan và ngân hàng Nhà nước. Cụ thể trong 12 năm từ năm 1998 đến tháng 9/2010 Việt Nam đã nhập khẩu 339,86 tấn vàng, xuất khẩu là 268,86 tấn. Như vậy trong 12 năm nhập lớn hơn xuất là 71 tấn.

Cũng theo nhận định của Thống đốc thì hoạt động kinh doanh vàng tăng trưởng mạnh ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 và có biểu hiện đầu cơ trong 2 năm 2009  và 2010.

Sau khi báo cáo với Thủ tướng, Thủ tướng cho phép điều chỉnh chính sách về quản lý vàng, đặc biệt là năm 2000 cho phép các tổ chức tín dụng được huy động vàng và cho vay vàng trên thị trường. Tháng 10 vừa rồi chúng tôi ban hành Thông tư số 22 qui định đối tượng để cho vay hẹp hơn, nhằm quản lý tốt hơn, nhất là hạn chế đầu cơ trong hoạt động cho vay kinh doanh vàng, Thống đốc thông tin cụ thể hơn.

Cùng với các giải pháp xử lý tình thế, Thống đốc còn cho biết Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng. Hiện nay, theo Thống đốc, đang có 2 luồng tư tưởng cho rằng vàng trong xã hội phải huy động vào ngân hàng để biến thành của cải vật chất cho xã hội. Luồng ý kiến thứ hai là  phải làm cho vàng tác động nhanh vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất mới.

“Chúng tôi cũng xây dựng 2 kịch bản, nhưng hướng vào kịch bản có các chính sách tác động vào để khai thác vàng trong xã hội đưa trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh để tăng thêm giá trị vốn cho xã hội”, ông Giàu cho biết.

Liên quan đến thị trường ngoại tệ, Thống đốc nhấn mạnh, năm 2009 mặc dầu Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhưng cán cân tổng thể vẫn bị thâm hụt 8,8 tỷ USD. Năm 2010 Chính phủ đã đưa ra những giải pháp ngay từ đầu năm rất quyết liệt nhằm giảm nhập siêu để không thâm hụt lớn cán cân thương mại cũng như cán cân vãng lai.

“Năm nay chúng ta phấn đấu cán cân tổng thể thâm hụt là 4 tỷ USD. Với sự điều hành gần đây rất tốt,  khả năng cán cân tổng thể của chúng ta thâm hụt ít hơn, chúng tôi dự báo có khả năng trên dưới 2 tỷ USD, nếu như chúng ta kiểm soát nhập siêu khoảng 12 tỷ USD hoặc trên dưới 12 tỷ USD”, Thống đốc cho biết.