08:59 09/06/2014

Bộ trưởng xin lỗi vì “tồn tại” trong giảm nghèo

Nguyễn Lê

Bộ trưởng Giàng Seo Phử xin lỗi các đại biểu Quốc hội về những gì chưa làm được cho người nghèo dân tộc thiểu số

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.<br>
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.<br>
“Chính phủ Việt Nam cho đồng bào mình rất nhiều thứ, cho đến thời điểm này thì đồng bào mình không phải cho Chính phủ thứ gì, thuế cũng không phải nộp”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử phát biểu tại Quốc hội, chiều 7/6.

Trong số 34 ý kiến thảo luận về báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 trong cả ngày 7/6, trước ông Giàng Seo Phử cũng đã có tới 3 vị bộ trưởng đăng đàn. Gồm bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giàng Seo Phử hiện ở cương vị là người được Thủ tướng phân công chịu trách nhiệm theo dõi, giúp Chính phủ về công tác giảm nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mà như nhiều vị đại biểu nhấn mạnh thì đây là nơi tập trung nhiều đối tượng nghèo nhất. Và phát biểu của ông cũng có nhiều điểm nhấn khá đặc biệt.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Giàng Seo Phử, vùng đồng bào dân tộc đã có những khởi sắc rất quan trọng, chưa bao giờ có. “Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn và cảm thấy có phần trách nhiệm của mình, với tư cách là người làm công tác dân tộc”, ông nói.

Đó là vì, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn 59,2%, trong khi đó đồng bào dân tộc đa số chỉ còn 9,9%.

Đó còn là vì, tỷ trọng người nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng, từ 20% ở năm 1993 lên 47% năm 2010.

“Đến năm 2012 vẫn còn 47% nghèo đói kinh niên, 68% nghèo cùng cực” ông Giàng Seo Phử dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Và tại 69 huyện nghèo, 61 huyện và các huyện được Thủ tướng Chính phủ bổ sung được hưởng chính sách tương đương như các huyện nghèo thì đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vẫn còn chiếm 83%. Một số dân tộc như dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 90%.

Vẫn theo Bộ trưởng, còn tới 326.909 hộ thiếu đất sản xuất và thiếu đất ở là 329 nghìn hộ.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo, Bộ trưởng nêu số liệu người dân nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được đào tạo chiếm 86,21%. Tỷ lệ này ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chiếm 90%.

“Ở trình độ như thế rõ ràng không thể đủ kiến thức năng lực, trí tuệ để tự xóa đói giảm nghèo dù nhà nước, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều, trong điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã làm hết mình cho đồng bào dân tộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến chính sách xóa đói giảm nghèo, như nhiều vị khác, Bộ trưởng cũng sốt ruột vì cơ chế hiện nay khiến nhiều gia đình xin được làm hộ nghèo, thậm chí có những người đã phải chạy để được làm người  nghèo.

Bộ trưởng nói, trong các cuộc tiếp xúc cử tri ông đã phê phán rất mạnh tư tưởng trông chờ, đòi hỏi. “Tôi khẳng định là bây giờ không có ai tốt hơn Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Vì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam cho đồng bào mình rất nhiều thứ, đồng bào mình cho Chính phủ gì, cho đến thời điểm này thì đồng bào mình không phải cho Chính phủ thứ gì, thuế cũng không phải nộp”, Bộ trưởng nhắc lại lời đã nói với cử tri.

Với phân tích Chính phủ cho đồng bào thiểu số rất nhiều thứ, bảo vệ sức khỏe, giáo dục, chỉ trừ mỗi việc "chưa lấy vợ cho", câu hỏi ông đặt ra khi tiếp xúc cử tri là “bây giờ mình vẫn còn nghèo mãi như thế có được không?”.

Để đồng bào phấn đấu vươn lên, ông đề nghị hộ nghèo chỉ được hưởng chính sách một lần, từ 3-5 năm, hết thời hạn muốn ở trong hộ nghèo cũng không được.

Với Quốc hội, Bộ trưởng đề nghị cần phải xây dựng chính sách đủ mạnh để khuyến khích mạnh số đồng bào và người nghèo thoát nghèo.

“Thời gian qua thành tựu rất đáng ghi nhận, nhưng còn rất nhiều tồn tại. Với tư cách là người đứng đầu công tác dân tộc, chúng tôi thành thật xin lỗi các đại biểu Quốc hội về những gì chưa làm được”, Bộ trưởng kết thúc bài phát biểu.

Trước đó, thảo luận về kết quả giám sát, một số vị đại biểu nhận xét, phần đánh giá trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong báo cáo còn mỏng, cần phân tích và làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước về công tác giảm nghèo thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc trong công tác giảm nghèo.