09:09 15/02/2021

Bông so đũa: món lẩu Tết ăn một lần nhớ mãi

Băng Hảo

Vị ngọt của sông rạch trong con tép hòa vị ngọt của đất đai thổ nhưỡng trong từng cánh bông so đũa khiến bữa cơm thêm đậm đà.

Thân cây so đũa suôn đuột vươn cao lên chừng năm, sáu thước với những cánh lá đối xứng màu xanh mát mắt, lủng lẳng thả những trái xanh dài kết quả mùa bông năm trước. Có lẽ vì cái thân cây và trái suôn dài nên người ta mới đặt tên nó như vậy? Nhưng khi bông so đũa đơm cành, đẹp lãng mạn như vầng trăng lưỡi liềm đung đưa trên nền lá cây xanh sẫm.
Bạn đã từng ăn canh chua bông so đũa với cá lóc đồng hay đơn giản hơn là bông so đũa nấu mì chưa? Nếu đã dùng qua, ắt hẳn bạn vẫn còn nhớ cái cảm giác mềm rụm, ngọt ngào và mùi thơm đặc trưng của nó chứ?. Từ những bài ca dao, có thể thấy ông bà ta còn lấy bông so đũa làm tiêu chí để xét xem một người nào đó có phải "dân đồng quê" chính hiệu hay không qua kinh nghiệm nấu ăn:

"Không gì bằng cá nấu canh/ Bỏ bông so đũa mới rành dân quê"

Theo truyền miệng trong dân gian, ở miền Tây, nhiều cặp trai gái yêu nhau đã mượn mùa bông so đũa để hẹn hò: "Ra giêng, lúc nào so đũa thành đôi thì mình sẽ lấy nhau thành đôi vợ chồng". Theo quy luật của đất trời, cứ gần đến dịp Tết thì ngoài vườn rau cải trời mọc xanh mơn mởn. Dân miệt vườn thường hái rau cải trời về nấu canh với tép và bẻ bông so đũa nấu canh chua với cá rô đồng, cá trê hoặc cá linh cuối mùa. Tuy là món ăn thảo dã, nhưng mùi vị rất thơm ngon, vừa đăng đắng vừa ngọt ngào.
Bông so đũa: món lẩu Tết ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 1.
Gắp một đũa, ăn. Vị chua của me hòa mùi thơm cay mặn của gia vị và nước mắm, nhưng nổi bật hơn hết là vị nhân nhẩn của bông so đũa hòa vị ngọt của tôm càng xanh. Càng ăn càng thấy mồ hôi tươm ướt lưng áo. Ăn như vậy mới đã. Mồ hôi túa ra giúp giải nhiệt cơ thể trong tiết trời nóng bức mùa nắng oi ả.Mùa bông so đũa nở cũng là mùa tép bạc đất. Tép lột bỏ vỏ, rửa sạch xào với bông so đũa lặt bỏ nhụy, cũng đã rửa sạch, trên chảo nóng với mỡ hoặc dầu sẽ cho ta món ăn ngon. Vị ngọt của sông rạch trong con tép hòa vị ngọt của đất đai thổ nhưỡng trong từng cánh bông so đũa khiến bữa cơm thêm đậm đà. Thưởng thức món bông so đũa xào tép người ta còn có cái cảm giác giòn giòn của những đóa hoa trắng muốt "nổ" trong răng. Thật khoái thú.
Bông so đũa: món lẩu Tết ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 2.
 
Nhưng bông so đũa đâu chỉ có thể nấu chua và xào. Hiện nay, trong bất cứ thứ lẩu nào (lẩu chua, lẩu ngọt, lẩu mắm) cũng đều có sự hiện diện của thứ bông so đũa trắng ngà hay so đũa hồng nổi bật trên màu xanh của mấy loại rau rợ, bạc hà, rau nhút, rau muống, bắp chuối bào, màu vàng của thơm, màu trắng ngà của cá,… chỉ mới nhìn thôi mà bụng đã cồn cào lắm rồi. Thịt cá thơm béo, bông súng mềm dịu, nước lẩu chua hơi cay… Đơn giản vậy mà lắm khi gợi lên niềm thương nhớ da diết, khiến những đứa con xa quê thao thức đến nao lòng.
Đặc biệt, ăn lẩu cá bông lau mà thiếu bông so đũa của miền sông nước thì xem như nồi lẩu mất đi đến 80% giá trị. Lẩu cá bông lau có màu nước trong hơi ánh vàng của me, ngọt thanh vị cá và dừa tươi, hơi chua nhẹ nhưng không gắt. Quây quần bên bàn ăn với lẩu cá nghi ngút khói, dĩa bún trắng tươi, dĩa rau xanh mát màu dừa nước, bông đũa trắng hồng... bữa ăn cuối tuần của gia đình thêm hương vị.
Bông so đũa: món lẩu Tết ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 3.
Dùng đũa gắp miếng cá trắng ngà cùng bông so đũa chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt dai của cá, giòn giòn, nhân nhẩn lẫn mùi thơm đặc trưng của bông so đũa lan tỏa vào miệng, kích thích mọi giác quan. Chan vài muỗng nước canh có vị chua, ngọt thanh thơm lừng vào chén bún rồi "lùa" một hơi, bạn sẽ cảm nhận được hương vị rất riêng của miền Tây, một vùng đất hiền hòa, trù phú được thiên nhiên ưu đãi.