22:32 17/07/2008

Bớt lo cho tỷ giá

Vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) nhận định về xu hướng chung của tỷ giá trong những tháng cuối năm

"Thực tế gần đây cho thấy chênh lệch giữa thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và ngoại tệ trên thị trường tự do không còn nữa."
"Thực tế gần đây cho thấy chênh lệch giữa thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và ngoại tệ trên thị trường tự do không còn nữa."
Dù nhập siêu cả năm 2008 ở mức 19-20 tỷ USD nhưng theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) - điều này cũng không tác động lớn đến tỷ giá và xu hướng chung của tỷ giá trong những tháng cuối năm là ổn định.

Ông nói:

- Trong sáu tháng đầu năm, nhập siêu lên tới 14,77 tỷ USD, gần bằng 50% kim ngạch xuất khẩu và bằng 77% mức dự kiến nhập khẩu cả năm. Nhập siêu cao đã tác động rất xấu đến tỷ giá, khiến tỷ giá biến động thất thường theo hướng tăng lên, tạo ra tâm lý đầu cơ và dịch chuyển tiền tệ không có lợi cho nền kinh tế. Nhiều nhà đầu cơ tính toán rằng đầu cơ ngoại tệ có lợi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đã có một số dự báo về nhập siêu cả năm ở mức rất cao và cho rằng điều này sẽ còn gây áp lực rất lớn đến tỷ giá. Ông nhận xét gì về những dự báo này?


Thời gian qua, một số tập đoàn tài chính nước ngoài như Goldman Sachs, JP Morgan... dự đoán nhập siêu năm 2008 của Việt Nam sẽ rất cao, có thể lên hơn 30 tỷ USD, bằng 40% GDP. Tuy nhiên, những diễn biến của nền kinh tế thời gian gần đây có thể lạc quan tin rằng không thể nhập siêu lớn như thế.

Theo tính toán của chúng tôi, nhập siêu sẽ chỉ khoảng 19-20 tỷ USD vì hiện nay tín dụng tài trợ cho nhập khẩu giảm mạnh. Sáu tháng đầu năm các ngân hàng vẫn cho vay nhập khẩu đã cam kết với nước ngoài nên phải thực hiện. Còn hiện nay, các ngân hàng đang bị áp lực khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên từ nay đến cuối năm nguồn tài trợ cho nhập khẩu chắc chắn giảm mạnh.

Thứ hai, thời gian qua các nhà nhập khẩu nguyên vật liệu, sắt thép... thường mang tính chất đầu cơ, nhập quá nhiều nên hiện tại phải tái xuất. Thứ ba, việc nhập khẩu thiết bị phục vụ sản xuất đã nhập nhiều trong quý 1/2008 nên chắc chắn thời gian tới sẽ giảm. Việc nhập những loại này có tính chất dồn vào một quý nhưng có thể dùng cả mấy năm sau.

Cũng vẫn còn áp lực làm tăng thâm hụt thương mại như giá dầu tăng. Nhưng trên thực tế thâm hụt thương mại đang giảm rất mạnh và tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Ở mức lý tưởng nhập siêu cả năm chỉ 19-20 tỷ USD, nhưng lấy đâu ra ngoại tệ để bù đắp khoản nhập nhiều hơn xuất này?


Vấn đề quan trọng khi giải quyết tình trạng nhập siêu là tìm nguồn tài trợ phù hợp cho khoản thiếu hụt này. Nếu được bù đắp bằng nguồn vốn ngắn hạn có thể làm tỷ giá biến động, và càng không nên trong trường hợp luồng vốn đầu tư gián tiếp suy giảm. Ngược lại bù đắp khoản nhập siêu bằng nguồn ngoại tệ ổn định thì lại không quá lo.

Với mức nhập siêu giữ ở mức 19-20 tỷ USD thì sẽ được cân đối bằng ba nguồn: nguồn ngoại tệ từ kiều hối, dự báo năm nay có thể đạt khoảng 8 tỷ USD; nguồn ngoại tệ từ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ phát triển 10-11 tỷ USD.

Điều đó cho thấy thâm hụt thương mại được bù đắp bằng những nguồn ổn định chứ không phải từ những nguồn ngắn hạn, không ổn định. Do vậy khó có thể xảy ra những tác động xấu đến tỷ giá.

Thực tế gần đây cho thấy chênh lệch giữa thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và ngoại tệ trên thị trường tự do không còn nữa. Diễn biến này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô bởi vì trong điều kiện chống lạm phát, yếu tố tâm lý là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra thanh khoản ngoại tệ của Việt Nam cũng tương đối ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự trữ ngoại tệ là 20,7 tỷ USD. Nhưng cộng cả ngoại tệ do Bộ Tài chính quản lý và khoản dự trữ điều hòa thị trường hối đoái của Ngân hàng Nhà nước thì cao hơn con số đã công bố.

Như vậy thanh khoản của Việt Nam tương đối ổn định, hoàn toàn có thể giữ tỷ giá ổn định từ đây đến cuối năm.

Theo ông, để giảm nhập siêu nên chú trọng giải pháp nào, cắt giảm chi tiêu hay hạn chế nhập khẩu?


Nguyên nhân của tình trạng nhập siêu là do tiết kiệm nội địa ít nhưng đầu tư nhiều. Muốn chống nhập siêu hiệu quả nhất là thắt chặt tiền tệ, cắt giảm chi tiêu và thâm hụt ngân sách.

Cắt giảm tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện kiên quyết. Với cắt giảm chi tiêu ngân sách thì Chính phủ đang thực hiện. Đó là những biện pháp quan trọng để hạn chế nhập siêu. Còn việc cấm nhập mặt hàng này, nâng thuế nhập khẩu mặt hàng kia thì những tác động của nó rất hạn chế.

Thưa ông, thời gian qua tỷ giá tăng nhanh một phần do tình trạng găm giữ ngoại tệ. Tới đây, xử lý tình trạng này như thế nào?


Kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp cải thiện tâm lý lo lắng nơi người dân, qua đó giảm bớt tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ. Nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng những tháng tới sẽ không còn tăng mạnh do hàng hóa đang ứ đọng.

Tín dụng ngân hàng từ tháng 7/2008 có dấu hiệu tăng chậm, tổng phương tiện thanh toán trong năm nay dự kiến chỉ bằng 1/4 năm ngoái.

Nếu lạm phát giảm, lãi suất ổn định, nhập siêu giảm cộng với giải ngân đầu tư nước ngoài tăng lên sẽ giúp thanh khoản ngoại tệ không còn căng thẳng. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng đầu cơ ngoại tệ trên thị trường, đồng thời tác động tốt đến tâm lý người dân, giảm bớt tình trạng mua ngoại tệ để cất giữ.