Bức tranh vận tải quý 1, hàng không tăng trưởng bứt phá, đường bộ tụt lùi
Trong quý 1, vận tải hành khách vẫn duy trì trạng thái ảm đạm khi tiếp đà sụt giảm 23,6% so với cùng kỳ, trong đó, đường bộ tụt dốc sâu nhất, chỉ riêng hàng không khởi sắc. Trái lại, vận tải hàng hóa vẫn ghi nhận mức tăng tích cực 8,2%...
Thông tin tại buổi giao ban quý 1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong lĩnh vực vận tải, Bộ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn vận tải phù hợp trong tình hình Covid-19 mới, đặc biệt kịp thời nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, vận tải hành khách 3 tháng đầu năm ước đạt 740,8 triệu lượt khách, giảm 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải hàng không và đường bộ tăng còn đường biển, đường sắt và đường thủy giảm.
Cụ thể, vận tải đường bộ vẫn chiếm ưu thế, vận chuyển đạt 674,6 triệu hành khách, tuy nhiên, duy trì đà giảm sâu nhất trong các phương thức vận tải, thậm chí giảm sâu hơn mức trung bình toàn ngành, lên tới 24,8% so với cùng kỳ.
Tiếp đến, đường thuỷ nội địa, đường biển và đường sắt vận chuyển lần lượt 55,5; 1,3 và 0,5 triệu khách; giảm lần lượt 10,5%; 19% và 23,6%. Thoát khỏi đà giảm, vận tải hàng không chứng kiến đà tăng mạnh mẽ 18,8% so với cùng kỳ, cán mốc gần 9 triệu khách.
Chia sẻ tại hội nghị đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường bộ vừa qua, ông Đỗ Xuân Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, trong đợt khảo sát 87 đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ do hiệp hội vừa thực hiện gần đây, không có đơn vị nào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.
Dù hoạt động vận tải nối thông trở lại từ lâu, gần 20% số đơn vị cho hay kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn sụt giảm, trong số đó, đến 70% sụt giảm tới 50- 75%.
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng xe khách cỡ nhỏ từ 9 chỗ trở xuống, chủ yếu là xe taxi giảm mạnh từ 7.983 xe năm 2019 xuống còn 5.442 xe năm 2021.
Trong tình huống đại dịch tiếp tục kéo dài, theo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tiếp tục phải cắt giảm chi phí hoạt động, cho lao động nghỉ việc luân phiên, thậm chí phải thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 20% số đơn vị chủ động duy trì thị trường, thích ứng với các điều kiện khó lường.
Là điểm sáng trong ngành, vận tải hàng hóa trong tất cả các lĩnh vực vận tải đều tăng, tính hết quý 1 ước đạt 501,8 triệu tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng duy trì ở mọi phương thức.
Trước tình hình kinh doanh vận tải vẫn ảm đạm trong quý 1, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ đạo lãnh đạo từng Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành tập trung triển khai nhiệm vụ phải bám sát các kế hoạch, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tạo đột phá để thúc đẩy vận tải, bảo đảm vận tải thông suốt khi tình hình dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn mới, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt liên vận quốc tế...