13:09 31/03/2023

"Cá mập" Pyn Elite Fund: Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế từ quý 2 và hết năm

An Phong

Đại diện quỹ đến từ Phần Lan nhận định sẽ có sự tăng tốc tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam khi lãi suất giảm và thanh khoản được duy trì bởi ngân hàng trung ương, góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh tế bắt đầu từ quý hai và đến hết năm 2023...

Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite Fund.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý quỹ Pyn Elite Fund.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 32,8% trong năm 2022 và giảm 30% trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, VN-Index sẽ thu hẹp khoảng cách kém hiệu quả so với các thị trường chứng khoán ASEAN, theo đánh giá của Pyn Elite Fund - quỹ đến từ Phần Lan. 

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại trong quý cuối cùng của năm 2022 và quý 1 năm 2023. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sức mua yếu. Sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất tiền gửi đã khiến thị trường bất động sản nhà ở đóng băng do chi phí đi vay cao hơn. Đồng thời, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã bị chậm lại chủ yếu xuất khẩu.

Tuy nhiên, quỹ kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhờ lĩnh vực dịch vụ với mức tăng gần 4% trong quý đầu tiên, mặc dù lĩnh vực thị trường nhà ở và xuất khẩu giảm sút. Quan điểm của quỹ là sẽ có sự tăng tốc tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam khi lãi suất giảm và thanh khoản được duy trì bởi ngân hàng trung ương góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh tế bắt đầu từ quý hai và đến hết năm 2023.

Theo đó, quỹ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt trên 5,5% trong năm nay, bất chấp nhu cầu xuất khẩu yếu.

Đối với thị trường chứng khoán, những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 giảm mạnh bất thường cũng sẽ kích hoạt thị trường hồi phục trong năm nay. 

Các công ty niêm yết của Việt Nam có tỷ lệ đòn bẩy thấp, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của những doanh nghiệp này trong vài năm tới là mạnh nhất. Định giá P/E dự phóng của chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức cực kỳ thấp.

Đã có lúc, khoảng cách định giá so với ASEAN-4 là 30%, nhưng khoảng cách đã bắt đầu thu hẹp kể từ đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu hạ lãi suất tham chiếu vào tháng 3, nhưng đáng kể nhất là tỷ giá tham chiếu được giữ nguyên. Có lý do để tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất tham chiếu trong vài tuần tới.

Lạm phát không phải là vấn đề đối với Việt Nam, và các đợt tăng lãi suất vào mùa thu năm ngoái chủ yếu liên quan đến việc điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam đồng.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã chững lại kể từ cuối mùa thu năm ngoái, phản ánh sự suy giảm xuất khẩu của châu Á nói chung, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bắt đầu tích lũy trở lại trong những tháng đầu tiên của năm mới. Tháng 11, dự trữ ngoại hối xuống 83 USD tỷ USD, nhưng quỹ ước tính rằng hiện tại dự trữ ngoại hối lên tới 92 tỷ USD.

Đợt tăng lãi suất lớn nhất của Fed đã diễn ra, điều này làm giảm triển vọng về một đồng đô la Mỹ tăng mạnh và giảm nhu cầu quản lý tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam. Tình hình mới khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mất nhiều thời gian hơn để đưa lãi suất trong nước trở lại mức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt trái của chính sách tiền tệ mở rộng kéo dài là những biến dạng kinh tế mà nó gây ra và buộc phải điều chỉnh thông qua các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo đuổi tăng trưởng kinh tế ổn định luôn là mục tiêu, nhưng nó cũng luôn là thách thức. Chính sách tiền tệ có thể có sự thái quá đáng kể tác động đến tỷ giá hối đoái, giá tiêu dùng, thị trường hàng hóa và định giá của nhiều lớp tài sản.

"Chúng tôi cho rằng trong 12 tháng tới, nhiều yếu tố có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam quay trở lại đà tăng trưởng. Trong tương lai, hướng đi của chỉ số VN-Index có thể được điều chỉnh bởi triển vọng tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết, tính thanh khoản và lãi suất của thị trường tiền tệ Việt Nam, và tốc độ lạm phát chậm lại ở Hoa Kỳ và Châu Âu", Pyn Elite nhấn mạnh.