Cổ phiếu nào đã giúp "cá mập" Pyn Elite Fund lãi ngoạn mục trong tháng 11?
Sau gần một năm hiệu suất âm nặng, tháng 11 vừa qua cá mập Pyn Elite Fund đã ghi nhận hiệu suất dương mới mức tăng tương đương với mức tăng của tháng 11/2020 cũng là mức cao nhất của những tháng 11 kể từ khi quỹ này đầu tư vào Việt Nam năm 2013.
Báo cáo hiệu suất đầu tư tháng 11 của Pyn Elite Fund ghi nhận trong tháng vừa qua quỹ đã ghi nhận tăng trưởng 11 % là mức tăng trưởng cao nhất trong những tháng 11 kể từ khi quỹ này đầu tư vào Việt Nam năm 2023. Trước đó, từ đầu năm 2022 đến nay, quỹ đã ghi nhận hiệu suất âm liên tục, tháng 10 trước đó quỹ âm 10,46% và tháng 9 âm 13,19%.
Nhờ mức tăng trưởng ngoạn mục trong tháng 11, hiệu suất âm giảm đáng kể từ đầu năm đến nay chỉ còn âm 29,09%.
3 cổ phiếu đóng góp mức tăng trưởng tốt nhất cho quỹ gồm VRE với mức tăng 24,2%; STB với mức tăng 13,8% và VHM với mức tăng 21,1%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ba cổ phiếu của quỹ âm nặng trong tháng qua gồm SCS giảm 1,3%; MBB giảm 1,7% và HDB giảm 5,2%.
Thời điểm 30/11, giá trị tài sản ròng (NAV) của PYN Elite đạt 390,85 triệu Euro tương đương với gần 9.800 tỷ đồng. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiến 87,3% NAV, trong đó có đến 5 cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, TPB, STB, MBB, HDB. Ngoài ra còn có ACV, VRE, VEA, đáng lưu ý danh mục mới bổ sung thêm chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF, đây là chứng chỉ mô phỏng nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).
Đánh giá riêng về Sacombank, theo Pyn Elite Fund, hiện là ngân hàng lớn thứ 6 về quy mô tín dụng và lớn thứ 4 về chi nhánh. Nhờ mạng lưới rộng lớn và cơ sở khách hàng dồi dào, bancassurance của nhà băng này đạt hiệu quả hoạt động đứng top 3. Mặt khác, Sacombank vẫn đang chịu gánh nặng lớn về tài sản không hoạt động (NPA) do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước. Hàng năm, ngân hàng này phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng NPA, do đó tăng trưởng có vẻ yếu hơn so với thực tế.
Dù vậy, PYN Elite hy vọng tất cả NPA của Sacombank sẽ bị xóa trong năm 2023E. Ngoài ra, nhà băng này cũng ít liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến quỹ đầu tư đến từ Phần Lan gia tăng đáng kể tỷ trọng cổ phiếu của ngân hàng này trong giai đoạn thị trường sụt giảm đầu tháng 11.
Trong tháng 11, thị trường chứng khoán biến động mạnh và có thời điểm giảm 15%. Đà bán tháo lan rộng ra gần như toàn bộ nhóm cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, tâm lý thị trường đã dần được cải thiện vào cuối tháng khi các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn bước đầu tìm được giải pháp huy động vốn, cơ cấu lại nợ trả nợ, hoặc khả năng có được các khoản đầu tư vốn cổ phần mới. VN-Index cũng đảo chiều hồi phục mạnh mẽ và kết tháng với mức tăng 2%.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lên đến 682 triệu USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Từ cuối tháng 11, Fubon FTSE ETF tiếp tục huy động thêm 160 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự hồi phục của thị trường trong nửa sau của tháng.
Về vĩ mô, nền kinh tế toàn cầu bất ổn đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tháng 11 giảm 8,4% so với cùng kỳ chủ yếu đén từ ngành hàng máy tính và điện tử. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu 11 tháng vẫn tăng 13,4% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại tháng 11 đạt 780 triệu USD qua đó đẩy con số thặng dư lũy kế từ đầu năm lên 11 tỷ USD.
Trong tháng 11, doanh số bán lẻ tăng 17,5% so với cùng kỳ và tăng trưởng mạnh so với trước Covid, tương ứng 11% so với tháng 11/2020 và 20% so với tháng 11/2019. CPI tháng 11 tăng 4,4% so với cùng kỳ do giá nhiên liệu và chi phí thuê nhà cao hơn trong khi chỉ số PMI đạt 47,4. Giải ngân vốn FDI trong 11 tháng cũng tăng 15,1% và FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất tăng 6,7% so với cùng kỳ.