16:01 24/07/2025

Cà Mau hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát

Dũng Hiếu

Sau gần một năm triển khai quyết liệt, mới đây tỉnh Cà Mau chính thức công bố hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (sau sáp nhập).

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải trao bằng khen cho các tập thể.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải trao bằng khen cho các tập thể.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh đã mang lại cuộc sống ổn định, an toàn hơn cho gần 10.000 hộ dân, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, đây là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và đầy nhân văn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, cũng như sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Hàng nghìn gia đình từ nay đã có nơi ăn chốn ở ổn định, có thể yên tâm an cư, lạc nghiệp”.

ĐỊA PHƯƠNG VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT, TOÀN DÂN ĐỒNG LÒNG

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh đã hoàn tất việc xây dựng và sửa chữa 9.671 căn nhà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình đạt hơn 471,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chương trình không chỉ về đích đúng hạn mà còn vượt tiến độ: phần việc của tỉnh Cà Mau (trước sáp nhập) đã được hoàn thành sớm gần 3 tháng so với kế hoạch của tỉnh và sớm hơn gần 5 tháng so với kế hoạch của Trung ương.

Chương trình xóa nhà tạm, dột nát tại Cà Mau là một trong những nội dung trọng tâm hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Trong đó, hai địa phương sáp nhập là Cà Mau và Bạc Liêu (cũ) đã triển khai hiệu quả hàng loạt đề án cụ thể với kết quả toàn diện.

Tại Cà Mau (cũ), chương trình đã hoàn thành xây mới và sửa chữa 4.400 căn nhà với tổng kinh phí gần 236 tỷ đồng. Bạc Liêu (cũ) cũng hoàn tất hỗ trợ hơn 5.000 căn nhà thuộc các chương trình riêng biệt cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc nghèo tại Bạc Liêu đã hoàn thành 176 căn nhà, đạt 100% kế hoạch năm 2025.

Theo Ban Chỉ đạo chương trình, thành công của kế hoạch xóa nhà tạm tại Cà Mau có sự đóng góp lớn từ nhận thức chung và hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự hưởng ứng sâu rộng của cộng đồng. Công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân đều đóng vai trò chủ động trong việc vận động, hỗ trợ kinh phí, công sức để đưa chương trình về đích.

Đặc biệt, chương trình cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp đáng kể từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngoài tỉnh. Đây là yếu tố then chốt giúp công tác triển khai nhanh chóng, linh hoạt, bám sát địa bàn và đúng đối tượng thụ hưởng.

TỪ AN CƯ ĐẾN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát không chỉ là đích đến trong nhiệm kỳ mà còn là khởi đầu cho một chiến lược an sinh mới: chuyển từ hỗ trợ tạm thời sang bảo đảm sinh kế lâu dài và phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: “Chương trình xóa nhà tạm là công việc thường xuyên, liên tục, đòi hỏi sự quan tâm, rà soát thường xuyên của các địa phương. Cần tiếp tục vận động cộng đồng, rà soát các hộ khó khăn về nhà ở để kịp thời hỗ trợ, đồng thời gắn với các chương trình tạo sinh kế, đảm bảo các hộ dân có nơi ở khang trang và có khả năng thoát nghèo bền vững”.

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt như: vận động thân tộc cho đất cất nhà, bố trí quỹ đất công, tạo điều kiện cho các hộ chưa có đất ở được tiếp cận đất tái định cư. Nhiều địa phương cũng đã triển khai việc cho mượn đất có cam kết thời hạn trên 20 năm để hộ nghèo có thể cất nhà và yên tâm sinh sống.

Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng được chỉ đạo tiếp tục lồng ghép chương trình hỗ trợ nhà ở với các chương trình hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng tới nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Thành công của chương trình tại Cà Mau có thể xem là một hình mẫu về sự đồng thuận, phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong mục tiêu phát triển an sinh xã hội. Những mái ấm mới không chỉ che nắng che mưa, mà còn thắp lên hy vọng, lan tỏa tinh thần nhân văn và tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới.

UBND tỉnh Cà Mau đã trao bằng khen cho 11 tập thể có nhiều đóng góp về kinh phí; đồng thời, vinh danh 32 tập thể và 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025.