08:26 24/11/2023

Cà Mau phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước

Ban Mai

Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, khu kinh tế Năm Căn, cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển…

Khu vực TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Khu vực TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg (ngày 17/11/2023) phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu…

TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN CỦA CẢ NƯỚC

Trong đó, Cà Mau phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng.

Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%.

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, khu kinh tế Năm Căn, đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị về thủy sản.

Tỉnh sẽ tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 03 vùng: vùng Bắc Cà Mau, vùng Nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.

Ngoài ra, Cà Mau cũng đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; liên kết và hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.

Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau "Địa đầu cực Nam - khám phá - môi trường - kết nối", trong đó khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau cũng sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Đặc biệt, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất khí Hydrogen (H2), Amoniac (NH3) tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với điều kiện của tỉnh như: phân bón, khí công nghiệp, hóa chất cơ bản…

CHUYỂN ĐỔI HƠN 9.000 HA ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Theo kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 -2025 đã được HĐND tỉnh Cà Mau  công bố, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp trên toàn tỉnh là hơn 461.712 ha; đất phi nông nghiệp hơn 60.017 ha; đất chưa sử dụng hơn 5.722 ha.

Trong giai đoạn này, tỉnh Cà Mau cũng chuyển đổi hơn 9.164 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nội bộ đất nông nghiệp hơn 817 ha.

Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch đưa hơn 6.124 ha đất nông nghiệp chưa sử dụng vào sử dụng, hơn 24,9 ha đất phi nông nghiệp chưa sử dụng vào sử dụng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, tổng diện tích đất tự nhiên của địa phương là hơn 527.451 ha. Thực trạng năm 2023, diện tích đất nông nghiệp là 459.224 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa là hơn 93.675 ha. Còn lại là đất trồng cây lâu năm và đất rừng. Đất phi nông nghiệp là 58.983 ha.

Theo kế hoạch sử dụng đất, đến năm 2025, diện tích đất sẽ thay đổi. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp là 461.712 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa là hơn 90.245 ha. Còn lại là đất trồng cây lâu năm và đất rừng. Đất phi nông nghiệp là 60.017 ha.

Trong cơ cấu đất phi nông nghiệp, một số loại đất đến năm 2025 sẽ tăng so với năm 2023. Cụ thể, diện tích đất khu công nghiệp tăng từ 630 ha năm 2023 lên 816 ha vào năm 2025; đất cụm công nghiệp từ 312 ha lên 437 ha; đất thương mại dịch vụ từ 605 ha tăng lên 729 ha; đất ở đô thị từ 1.943 ha tăng lên 2.052 ha; đất ở nông thôn từ 5.478 ha lên 5.526 ha…

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ theo Quyết định 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đất nông nghiệp đến năm 2025 giảm 2.935 ha, trong đó giảm 1.674 ha đất trồng lúa. Tỉnh đề xuất giữ diện tích đất chuyên trồng lúa nước theo hiện trạng sử dụng năm 2020; Chuyển một phần diện tích đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang các loại đất nông nghiệp khác để sản xuất hiệu quả kinh tế hơn và chuyển sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các hạng mục công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2025, giảm 2.498 ha đất rừng phòng hộ, trong đó, chuyển đổi 498 ha để thực hiện Khu trung tâm Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến diện tích đất rừng phòng hộ có rừng ven biển bị mất đi do sạt lở khoảng 2.000 ha (2021-2025).

Đất rừng đặc dụng giảm 253 ha do thực hiện hiện Khu trung tâm Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau ở trên và chuyển mục đích của một số tuyến dân cư trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, khu neo đậu, tránh trú bão Hố Gùi…

Đất rừng sản xuất giảm 3.161 ha do hiện trạng sử dụng đất rừng sản xuất bị nhiễm mặn, trồng rừng kém hiệu quả. Đồng thời, cần chuyển đất rừng sản xuất để chuyển sang đất nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.