20:16 19/08/2024

Cả nước hiện vẫn còn thiếu hơn 113.00 giáo viên

Đỗ Như

Tính đến hết năm học 2023- 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm 2022-2023. Song tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng 19/8, Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG TOÀN NGÀNH

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn với đà tăng trưởng khá và nhiều chuyển biến tích cực.

“Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng của Thủ tướng là “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”, cùng với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của phụ huynh học sinh.

Đặc biệt với sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023 - 2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, toàn ngành Giáo dục đã triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

“Quá trình triển khai 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch; là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

CẢ NƯỚC CÒN THIẾU HƠN 113.000 GIÁO VIÊN

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết sau khi Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, căn cứ hướng dẫn của Bộ giáo dục Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng giáo viên và đạt được kết quả nhất định.

Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2023- 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm 2022-2023.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhưn chưa được khắc phục…  Đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Ngoài ra, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học, giữa các vùng miền…

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục Đào tạo đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, Bộ giáo dục Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viênphổ thông, mầm non).

Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục và thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

CẮT GIẢM QUY ĐỊNH, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH

Theo báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường các giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ban hành, tổ chức triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, đẩy mạnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập như hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.

Các địa phương đã tạo cơ chế cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non, sau đó bàn giao cho ủy ban nhân dân huyện, thành phố để phát triển thêm trường công lập tại khu công nghiệp - khu chế xuất để nuôi dạy con em công nhân và con em nhân dân trên địa bàn. Trẻ học tại các trường mầm non này, phụ huynh chỉ đóng một phần tiền ăn còn lại công ty hỗ trợ 100% học phí và các khoản phụ thu khác.

Đồng thời, các địa phương đã tích cực triển khai các Chương trình, Đề án của Chính phủ với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Cùng với đó, các dự án ODA, các Chương trình, Đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương là cơ sở để các địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.

Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Theo thống kê, cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập với 657.912 lớp…