08:00 19/07/2024

Cả nước thêm 10 dự án khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư

Thanh Xuân

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có thêm 10 dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, và nhiều khu công nghiệp lớn khởi công như VSIP Lạng Sơn, VSIP Hà Tĩnh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận diễn biến theo hướng tích cực. Trong đó, nguồn cung duy trì ổn định, nhu cầu thuê tăng trưởng đều đặn và giá thuê tăng nhẹ.

ỔN ĐỊNH VỀ NGUỒN CUNG

Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) cho biết 6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung bất động sản công nghiệp tại miền Bắc và miền Nam tiếp tục đà ổn định so với quý trước, đạt lần lượt 14.500 ha và 27.700 ha. Theo đơn vị, dù không có nhiều biến động mạnh so với cuối năm 2023, nhưng thị trường vẫn chứng kiến sự phát triển của các dự án mới tại nhiều địa phương.

Ngoài ra, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp cũng tăng trưởng ổn định nhờ xu hướng dịch chuyển cơ cấu sản xuất sang ngành công nghiệp. Chính hoạt động sản xuất phục hồi trong quý 2/2024 đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp. Theo đó, tỷ lệ lấp đầy bình quân ở miền Bắc và miền Nam đều ghi nhận mức cao. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy tại miền Bắc đạt 83%, tăng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, còn tỷ lệ lấp đầy miền Nam đạt 92%, tăng 1 điểm phần trăm.

Về giá thuê bất động sản công nghiệp, Viện Nghiên cứu nhận định có sự tăng nhẹ do nhu cầu cao và giữa bối cảnh nguồn cung chưa cải thiện đáng kể. Hiện nay, giá thuê ở miền Bắc đã tăng 2%, đạt mức trung bình 130 USD/m²/kỳ hạn còn lại; miền Nam, giá thuê tăng 7%, đạt mức trung bình 190 USD/m²/kỳ hạn còn lại.

Đánh giá về phân khúc này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho rằng với nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, cùng việc cải thiện cơ sở hạ tầng và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất động sản công nghiệp vẫn duy trì là phân khúc dẫn đầu trên thị trường bất động sản Việt Nam, thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực tế dữ liệu Vars thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có thêm 10 dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhiều khu công nghiệp lớn khởi công như VSIP Lạng Sơn, VSIP Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả doanh nghiệp trước đây vốn chỉ tập trung phát triển phân khúc nhà ở, cũng như một số tập đoàn hoạt động đa ngành là DIC Holdings, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô… đã, đang lên kế hoạch “thâu tóm” thêm quỹ đất để phát triển bất động sản công nghiệp.

“Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên khắp cả nước. Xu hướng này phản ánh cam kết và nỗ lực của Nhà nước trong việc thúc đẩy mũi nhọn công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, mục tiêu biến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”, Vars nhận định, đồng thời cho rằng “Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035” cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. Chiến lược này nhấn mạnh đến việc phát triển các khu công nghiệp hiện đại, bền vững; ngành công nghệ cao, hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp với sáng kiến đổi mới sáng tạo.

NHIỀU CHỦ ĐẦU TƯ MỚI SẼ THAM GIA THỊ TRƯỜNG

TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Dat Xanh Services - FERI cho biết thời gian tới, ngoài các khu công nghiệp truyền thống, thị trường sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều chủ đầu tư mới vào các loại hình nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà kho xây sẵn (RBW), nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm đến thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, điển hình như Taseco Land (TAL) đặt mục tiêu phát triển 5 khu công nghiệp mới với quy mô hơn 1.000 ha trong 5 năm tới. Dự kiến, nhà đầu tư ngoại chiếm khoảng 75% thị phần nhà kho xây sẵn tại Việt Nam.

“Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ còn tăng trưởng, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và Việt Nam đang ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất”, ông Khôi khẳng định.

Theo ông Hiếu Lê, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận tư vấn và giao dịch, CBRE Việt Nam: Việt Nam hứa hẹn có thêm những nguồn vốn FDI mới khi luôn duy trì được các yếu tố thu hút. Đó là hạ tầng tiếp tục được cải thiện; Chính phủ Việt Nam ủng hộ sản xuất nên dành nhiều chính sách hỗ trợ; làn sóng dịch chuyển sản xuất từ quốc gia lân cận liên tục lan sang Việt Nam. Song song với đó, bản thân thị trường Việt Nam cũng chứa đựng tiềm năng riêng, khiến doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư lâu năm đều có nhu cầu muốn mở rộng hơn nữa.

Ngoài ra, ông Hiếu lưu ý xu hướng bất động sản công nghiệp xanh vốn được khởi tạo từ một vài khu công nghiệp, khi họ triển khai dự án và đưa vào yếu tố xanh giúp tiết kiệm chi phí. Nghĩa là đối với nước thì sẽ là nước tuần hoàn; đối với điện, thay vì lấy điện từ lưới điện lưới thì sẽ lấy từ trang trại năng lượng mặt trời… bắt đầu từ 5 năm trở lại đây và ngày càng trở thành yếu tố được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn áp dụng.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cao cấp, Công ty CBRE Việt Nam, chi nhánh Hà Nội dự báo 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp tăng từ 5-8%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam. Tương tự, giá thuê nhà kho/nhà xưởng xây sẵn tăng nhẹ 1- 4%/năm; phân khúc xưởng xây sẵn cũng có tốc độ tăng giá cao hơn trong thời gian này. Các sản phẩm linh hoạt chuyển đổi giữa nhà kho và nhà xưởng, nhà kho/nhà xưởng nhiều tầng sẽ trở nên phổ biến hơn ở các thành phố có quỹ đất hạn chế.

“Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản công nghiệp có thể lan ra cả những khu vực mới như thị trường cấp 2 hay các khu kinh tế cửa khẩu. Mặt khác, chính sự mở rộng của chủ đầu tư hiện hữu, hay sự gia nhập thị trường của chủ đầu tư mới khiến bức tranh bất động sản công nghiệp thời gian tới sẽ càng trở nên sôi động”, bà An bình luận.