Các công ty bán dẫn Mỹ, Israel, châu Âu rất tin tưởng năng lực của kỹ sư Việt Nam
Mâu thuẫn về địa chính trị và những lý do khác đang tạo cho Việt Nam cơ hội trăm năm có một để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

TS. Lê Quang Đạm, CEO Marvell Technology Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (Vietnam Global Innovation Connect – VGIC 2025), do AVSE Global – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (Pháp) và Ban Liên lạc Cộng Đồng Người Việt Nam tại Singapore (VNAS) tổ chức, đang diễn tại Singapore.
CEO Marvell Technology Việt Nam cho biết trải qua 20 năm, ngành vi mạch Việt Nam phát triển chầm chậm, có lúc tăng nhanh, nhưng đặc biệt tháng 9/2023 - khi Tống thống Mỹ đến Việt Nam và nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ thì có sự thúc đẩy mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là khoa học công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn, từ đó đánh dấu một “mốc son” cho ngành bán dẫn Việt Nam và ngành bán dẫn của Việt Nam có sự phát triển vượt bậc.
Theo ông Đạm, từ năm 2000, cách đây 25 năm, những người làm trong ngành vi mạch bán dẫn chưa thể biết Việt Nam đã có những công ty làm về thiết kế vi mạch, những công ty này rất nhỏ ban đầu chỉ có 10-15 người.
"Tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn thiết kế vi mạch từ lên ý tưởng, làm kiến trúc, thiết kế phần cứng, phần mềm, kiểm tra sản phẩm trước khi sản xuất và sau khi hoàn thành, thì kỹ sư Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực và làm được. Tất cả các công ty từ Mỹ, Israel, châu Âu rất tin tưởng năng lực của kỹ sư Việt Nam"
TS. Lê Quang Đạm, CEO Marvell Technology Việt Nam.
Trong giai đoạn 2005-2010, số lượng các công ty trong ngành thiết kế vi mạch tăng trưởng và có những lúc tăng trưởng rất mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 60 công ty thiết kế vi mạch và trải đều từ Bắc vào Nam, tuy sự phân bổ công ty ngành bán dẫn vi mạch không đồng đều, miền Nam và chủ yếu TP.HCM tập trung tới 85% công ty thiết kế vi mạch, còn lại là miền Trung/Đà Nẵng và Hà Nội/miền Bắc.
Sự phát triển của các công ty vi mạch với số lượng phân bổ và nhiều như vậy do đó đã kéo theo sự phát triển ra nhiều chi nhánh, tại nhiều tỉnh thành, giúp ngành vi mạch của Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ.
“Nên, lịch sử phát triển ngành vi mạch của Việt Nam khá lâu đời chứ không phải 5 – 10 năm lại đây”, ông Đạm cho hay.
Số lượng công ty, chi nhánh phát triển đặt ra câu hỏi phát triển về nguồn nhân lực bán dẫn. Năm 2000 Việt Nam có khoảng 30 kỹ sư bán dẫn nhưng đã có sự khác biệt vượt bậc từ năm 2005, năm 2010, số lượng kỹ sư tăng trưởng rất nhanh, và ở thời điểm hiện tại Việt Nam có hơn 6.000 kỹ sư trong ngành thiết kế vi mạch. Nhân lực kỹ sư bán dẫn phát triển khoảng 20%/năm và tương ứng với kế hoạch phát triển của Chính phủ trong vòng 5 năm nữa có 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó 35 nghìn trong kiểm định, 15 nghìn kỹ sư trong ngành thiết kế vi mạch, tương ứng một năm cần 1.000-3.000 kỹ sư trong nhành thiết kế vi mạch, con số này đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Số lượng kỹ sư phát triển rất đều đặn và đột biến trong những năm 2010-2015. Kỹ sư ở Việt Nam cũng không phải làm các công việc đơn giản. "Khoảng năm 2010 khi tôi còn đang làm việc bên Mỹ, nhiều người cho rằng kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao vi mạch ở Việt Nam chỉ có thể làm các công việc đơn giản như kiểm định,… mà không tin làm được thiết kế - trái tim hay đầu óc của vi mạch bán dẫn", ông Đạm cho hay.
Nhưng theo vị CEO Marvell Việt Nam, tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn thiết kế vi mạch từ lên ý tưởng, làm kiến trúc, thiết kế phần cứng, phần mềm, kiểm tra sản phẩm trước khi sản xuất và sau khi hoàn thành, thì kỹ sư Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực và làm được. Tất cả các công ty từ Mỹ, Israel, châu Âu rất tin tưởng năng lực của kỹ sư Việt Nam.
Trong hơn 20 năm qua ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch nói chung và ngành thiết kế vi mạch nói riêng phát triển rất mạnh mẽ, thể hiện qua việc tăng trưởng các công ty, các chi nhánh và việc mở rộng kỹ sư và đặc biệt có thể học hỏi và làm việc được trong tất cả các công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn.
Về tương lai của ngành bán dẫn Việt Nam, theo ông Đạm, thứ nhất Việt Nam đang có cơ hội trăm năm có một, do mâu thuẫn về địa chính trị và nhiều lý do khác đang tạo cho Việt Nam cơ hội phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ hai Việt Nam có chiến lược rất tốt từ Chính phủ, đặc biệt gần đây là Nghị định 57, và có định hướng rõ ràng là phát triển ngành công nghiệp vi mạch đồng đều, đặc biệt thiết kế vi mạch, kiểm định, và định hướng sản xuất. Chúng ta có mục tiêu rõ ràng, có chiến lược phát triển và trải đều các miền, nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Với chiến lược như vậy thì có thể nhìn cùng một hướng, không những đi mà có thể chạy, làm nhanh hơn để đạt mục tiêu.
Thứ ba là sự quyết tâm của các doanh nghiệp, sự kết hợp hài hòa của ba bên, giữa chính sách của Chính phủ, đào tạo nhân lực của các trường đại học và viện nghiên cứu, sự đồng lòng và sự cam kết của các doanh nghiệp, trong đó gồm các doanh nghiệp nước ngoài cam kết phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam, ba yếu tố này kết hợp hài hòa thì ngành vi mạch của Việt Nam tin chắc sẽ phát triển mạnh mẽ.
Điều cuối cùng là làm sao phải khêu dậy được lòng yêu nước, các kỹ sư, nhân tài trong nước, và các kỹ sư, nhân tài ở nước ngoài gốc Việt hay không, chung tay giúp sức thì ngành vi mạch bán dẫn nắm bắt được thời cơ này sẽ phát triển trong tương lai, ông Đạm nói.