21:47 01/06/2021

Các doanh nghiệp và tình yêu với bóng đá nước nhà

Tường Bách

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19, nhiều doanh nghiệp lớn phải thu hẹp kinh doanh, cắt bỏ những khoản chi không cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp ngoại lệ...

Đội tuyển Quốc gia Việt Nam luyện tập tại UAE để chuẩn bị cho trậ đấu vòng loại thứ 2 sắp diễn ra. Ảnh: VFF
Đội tuyển Quốc gia Việt Nam luyện tập tại UAE để chuẩn bị cho trậ đấu vòng loại thứ 2 sắp diễn ra. Ảnh: VFF

Không ai có thể phủ nhận thành công của bóng đá nước nhà trong những năm gần đây khi những kỳ tích liên tục được tạo ra. Bên cạnh bản lĩnh, kỹ thuật, tính chuyên nghiệp và tinh thần thể thao cháy bỏng trong mỗi cầu thủ, bên cạnh tài cầm quân của HLV Park Hang – Seo và HLV Mai Đức Chung, chúng ta cũng phải nhắc đến sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đối với bóng đá nước nhà.

Nói như vậy bởi trong suốt hành trình của đội tuyển bóng đá nam và nữ Việt Nam tại các đấu trường, bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần rất mạnh mẽ của người hâm mộ cả nước, còn có sự ủng hộ về rất thiết thực vật chất của các doanh nghiệp trong nước. Thậm chí, có những chủ doanh nghiệp yêu bóng đá, lập ra câu lạc bộ để ươm mầm tài năng. Có những ông "bầu" là chủ doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong sự phát triển bóng đá nước nhà. Chính họ đã giúp đẩy mạnh quá trình xã hội hóa thể thao và dùng nguồn lực tài chính để phát hiện, nuôi dưỡng, đào tạo tài năng sân cỏ.

Dù không trực tiếp đào tạo các tài năng sân cỏ, nhưng cũng không thể không thể không nhắc đến sự đồng hành, ủng hộ của của nhiều doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như mức tiền thưởng của các doanh nghiệp dành cho đội tuyển Việt Nam sau những trận đấu quan trọng, hay những hợp đồng tài trợ cho các câu lạc bộ, thậm chí có những doanh nghiệp còn hứa hẹn hỗ trợ khởi nghiệp cho các cầu thủ sau khi giải nghệ…

Ngay thời điểm hiện tại, trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa, Đội tuyển  quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục hành trình thi đấu 3 trận còn lại thuộc bảng G, vòng loại thứ 2 World Cup 2020 khu vực châu Á, sau thời gian dài tạm hoãn vì dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra hào hứng với khung giờ vàng phát sóng các trận đấu, dù mức giá để chạy một TVC quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp là không hề thấp.

Theo như công bố của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (TVAd), số tiền tối thiểu mà các nhãn hàng phải bỏ ra để quảng bá hình ảnh của mình là 240 triệu đồng cho một TVC dài 10s, thậm chí lên tới 600 triệu đồng cho một TVC 30s, tùy thuộc vào khung giờ phát sóng. Nếu đặt nhiều spot quảng cáo trong cả 3 trận đấu này, giá trị có thể lên đến nhiều tỷ đồng. Đây là mức giá mà không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiềm lực để có thể theo được.

Thực chất, đây không phải lần đầu tiên giá quảng cáo các trận đấu của Đội  tuyển Việt Nam gây sốt, bởi trước đây chúng ta đã từng chứng kiến đơn giá tương tự, thậm chí lớn hơn nhiều tại AFF Suzuki Cup 2018 hay SEA Games 2019. Từ sau “cú huých” tại Thường Châu năm 2018, bóng đá Việt Nam đã và đang trải qua một chu kỳ rực rỡ, từ góc độ thành tích lẫn sự quan tâm của người hâm mộ. Đây là một trong những yếu tố khiến giá quảng cáo truyền hình của các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam tăng mạnh như vậy.

Bên cạnh đó, 3 trận đấu vòng loại World Cup diễn ra trong bối cảnh người hâm mộ cả nước đã phải trải qua thời gian dài không được theo dõi đội tuyển quốc gia trên sóng truyền hình. Tình yêu bóng đá của người Việt Nam là điều không cần bàn cãi, và 3 trận đấu tại vòng loại thứ 2 như một “ly nước mát" xoa dịu đi "cơn khát" đội tuyển đã kéo dài đằng đẵng vì những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo như công bố của đơn vị sở hữu bản quyền - Next Media, hiện đã có nhiều nhãn hàng và đơn vị đánh giá cao cơ hội quảng bá sản phẩm tới khách hàng như VinFast, Mykolor, Sơn Spec,... Đáng chú ý, các trận đấu tại vòng loại thứ 2 diễn ra vào thời điểm các sản phẩm đồ uống có nồng độ cồn dưới 5,5 độ được phép quảng cáo truyền hình (Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 44/2019/QH14). Đây là cơ sở để các nhãn hàng đồ uống mạnh tay vào quảng cáo bởi đây là các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn trong mùa hè. 

Người ta thường nói câu “có thực mới vực được đạo”. Thể thao thành tích cao đòi hỏi nguồn tài chính mạnh, vận động viên phải được chăm sóc tử tế, có thu nhập đảm bảo cuộc sống, yên tâm luyện tập. Do đó, bất cứ sự ủng hộ nào từ các doanh nghiệp cũng đều là động lực rất lớn cho các cầu thủ cống hiến và nỗ lực giành chiến thắng.