Các hãng xe đang chịu áp lực lớn về số hóa, cá nhân hóa và tăng nhu cầu xe điện
Chuyển đổi số, ứng dụng tự động hóa, thân thiện môi trường đang là những vấn đề lớn nhất đặt ra với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và ngành ô tô nói riêng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của khách hàng ngày càng thay đổi, cá nhân hóa. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô đang phải chịu áp lực lớn bởi nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng về xe điện trong tương lai gần...
Những nhận định này được đưa ra trong báo cáo kết quả “Nghiên cứu tầm nhìn hệ sinh thái ngành ô tô” khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam công bố chiều ngày 21/3. Báo cáo chia sẻ quan điểm về thị trường, những thách thức mà ngành này phải đối mặt cũng như cơ hội do chuyển đổi số mang lại.
Theo ông Cristanto Suryadarma, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh Zebra Technologies khu vực Đông Nam Á, ô tô là một ngành đang có mức độ số hóa mạnh mẽ và đạt tỷ trọng rất cao.
Ở Việt Nam, nghiên cứu cho hay, Việt Nam nằm trong số những thị trường ô tô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhu cầu về xe điện sẽ ngày càng tăng cao. Việt Nam đã có doanh nghiệp sản xuất xe điện với năng lực ấn tượng và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong khi nhiều nước trong khu vực, xe bus công cộng vẫn chạy nhiên liệu hóa thạch thì ở Việt Nam đã có xe bus chạy điện. Đây là một trong những tiến bộ lớn của Việt Nam. Điều này cho thấy, ở Việt Nam không chỉ tăng nhu cầu mà còn tăng năng lực sản xuất ô tô, ông Cristanto Suryadarma nhận xét.
Chia sẻ cụ thể hơn về những phát hiện chính về thị trường, đơn vị nghiên cứu cho biết tốc độ của số hóa đang làm tăng nhu cầu của khách hàng. Khi nhu cầu kinh doanh thay đổi, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ô tô và các nhà phân phối đang tăng ứng dụng số hóa mạnh mẽ, nâng cao độ ổn định của chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực của ngành sản xuất, tạo sự khác biệt trong sản phẩm dịch vụ so với đối thủ cạnh tranh.
Khảo sát từ hơn 1.300 lãnh đạo ngành ô tô và người dùng cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải đó là giữ chân nhân lực chất lượng cao và sự đứt gãy chuỗi cung ứng cần giải pháp thay thế để đối phó, tiếp tục hoàn thành các đơn hàng với chất lượng cao. Trong khi đó, người dùng cuối đang mong muốn giao hàng nhanh với độ chính xác cao.
Báo cáo nhấn mạnh, các nhà sản xuất đang gặp khó khi đáp ứng nhu cầu này cũng như sự bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với nhiều đột phá sáng tạo mới.
Có tới 8/10 người được khảo sát cho rằng nếu không thực hiện chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu, bỏ lại phía sau. Tương tự, có 8 trong số 10 người cho biết có thể hiện thực hóa được mục tiêu kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nếu chuyển đổi, đầu tư công nghệ.
Đặc biệt, nhu cầu khách hàng liên tục thay đổi với kỳ vọng mới về công nghệ cho xe và cả hệ sinh thái. Điều này đang làm gia tăng áp lực lớn với các nhà sản xuất ô tô so với các sản phẩm hiện hữu.
Nghiên cứu cho thấy, trước yêu cầu tiêu dùng thân thiện môi trường, phát triển bền vững, xu hướng ngày càng có nhiều người dùng lựa chọn tìm hiểu và mua xe điện hơn. Có tới 8/10 người khảo sát đặt yêu cầu cao về thân thiện và an toàn môi trường khi mua sản phẩm này…
60% nhóm người làm trong trong ngành ô tô cho biết đang phải chịu nhiều áp lực khi đối mặt những ý tưởng cho sản xuất xe điện thế hệ tiếp theo. 71% trong nhóm người trên nói rằng phải chịu áp lực cao trong việc mang đến các sản phẩm có tính thân thiện, bền vững và an toàn cho môi trường.
Cùng với sự chuyển đổi thế hệ của người tiêu dùng, khách hàng cũng ngày càng chú trọng hơn vào tính cá nhân hóa của một sản phẩm. 77% người trong ngành thuộc khu vực nhận ra rằng người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có tính cá nhân hóa và bền vững với môi trường hơn.
Đây được coi là động lực để các công ty sản xuất ô tô đầu tư vào công nghệ mới. Đáp ứng các kỳ vọng về sự an toàn và tính bền vững trong sản phẩm khi đưa ra thị trường là ưu tiên hàng đầu hiện nay của ngành ô tô.
Để các nhà sản xuất vượt qua thách thức này, nghiên cứu khẳng định, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, chuyển đổi, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ công nghệ, nếu không khách hàng sẽ rời bỏ để tìm để đến nhà cung cấp khác.
Để tạo sự khác biệt, dành lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số, số hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi mô hình hoạt động dựa trên giấy tờ sang mô hình số, nâng cao độ ổn định sẵn sàng của hệ sinh thái, và kịp thời khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng dựa trên thu thập thông tin, phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng số hóa.
Một yêu cầu quan trọng với các doanh nghiệp trong ngành ô tô đó chính là việc xây dựng các năng lực tự động hóa. Doanh nghiệp nếu muốn bước chân vào kỷ nguyên 4.0 thì không thể tiếp tục duy trì vận hành thủ công và can thiệp vào dây chuyền sản xuất trong khi các công nghệ mới như AI, học máy, thị giác máy tính đã phát triển, đáp ứng nhu cầu về điều hành dây chuyền, thu thập dữ liệu…
Việc ưu tiên số hóa, ứng dụng công nghệ tự động hóa, phát triển năng lực công nghệ nội tại và tăng cường để xây dựng một hệ sinh thái linh hoạt và cá nhân hóa là ưu tiên hàng đầu với những nhà sản xuất cung cấp ô tô hiện nay để đáp ứng nhu cầu. Có tới 7/10 người dùng cho rằng cá nhân hóa là yêu cầu quan trọng nhất.
Công nghệ thị giác máy tính công nghiệp, cảm biến, giám sát IoT… là những công nghệ mà các hãng ô tô, doanh nghiệp sản xuất cần hướng đến đầu tư để đáp ứng yêu cầu này. Các giải pháp công nghệ như tự động hóa, RFID, đọc mã vạch, định vị, theo dõi, phân tích thông tin… sẽ giải quyết các thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt để tăng tính cạnh tranh, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.