Các nước Đông Nam Á căng mình chống chọi Covid-19
Đông Nam Á đang trải qua những ngày tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, với số ca nhiễm mới hàng ngày tại một số nước trong khu vực không ngừng lập kỷ lục mới....
Để chống chọi với Covid, các nước Đông Nam Á nhìn chung đều dựa vào giãn cách xã hội để tạo ra một vùng đệm trong khi triển khai vaccine nhằm đạt tới miễn dịch cộng đồng.
Thái Lan đang chứng kiến sự bùng lên của hàng loạt ổ dịch mới tại những tỉnh thành ngoài Bangkok. Ngày 6/8, Thái Lan báo cáo 21.379 ca nhiễm Covid-19, một con số kỷ lục. Số ca tử vong là 191 ca, cũng là con số cao chưa từng thấy. Hệ thống y tế của Thái Lan trước nguy cơ “sập nền” vì số ca Covid nằm viện liên tục trên ngưỡng 200.000 trong những ngày gần đây.
Thiếu vaccine đang là một trong những trở ngại lớn nhất của Thái Lan. Tính đến ngày 5/8, nước này mới tiêm đủ hai mũi vaccine cho khoảng 6,3% dân số. Thái Lan là nơi đặt cơ sở sản xuất vaccine AstraZeneca tại Đông Nam Á, những do một số nút thắt nên hãng không thể cung cấp vaccine cho nước này như đã cam kết. Do đó, Thái Lan bắt buộc phải dùng thêm vaccine nhập khẩu từ Trung Quốc để tiêm cho người dân.
Nỗ lực tiêm chủng của Thái Lan cũng đang tập trung vào Bangkok, với khoảng 70% cư dân ở vùng thủ đô đã được tiêm ít nhất một mũi, so với tỷ lệ 21% trên toàn quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng do chỉ tập trung chống dịch ở các điểm nóng, Thái Lan rất dễ “vỡ trận” nếu dịch bùng lên ở các khu vực khác trong lúc tỷ lệ tiêm chủng còn ở mức thấp.
Tại Indonesia, Chính phủ nước này đã tuyên bố từ bỏ nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng vì cho rằng biến chủng Delta khiến hiệu quả của vaccine giảm xuống và virus vẫn sẽ lây lan ngay cả khi tất cả người dân được tiêm phòng. Do đó, song song với việc đẩy mạnh tiêm vaccine, Chính phủ Indonesia vẫn áp dụng các biện pháp đeo khẩu trang và hạn chế đi lại.
Indonesia hiện vẫn giữ mục tiêu tiêm 2,5 triệu mũi vaccine mỗi ngày trong tháng 8. Đến nay mới chỉ có 8% dân số Indonesia được tiêm phòng đầy đủ. Chiến dịch tiêm chủng Covid của Indonesia chủ yếu dựa vào vaccine của hãng dược Trung Quốc Sinovac. Theo dữ liệu của Chính phủ Indonesia, tỷ lệ tử vong ở những ca nhiễm Covid chưa tiêm vaccine là 15,5%, cao gấp hơn ba lần so với mức 4,1% ở những ca nhiễm sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Chính phủ Malaysia đang áp dụng một kế hoạch phục hồi quốc gia bao gồm 4 giai đoạn để vượt qua đại dịch Covid-19. Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 6/8, nước này cho biết sẽ không tiếp tục sử dụng số ca nhiễm mới hàng ngày để làm căn cứ cho các bang chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 của kế hoạch.
Thay vào đó, Chính phủ Malaysia sẽ sử dụng số bệnh nhân Covid nằm viện như một trong ba chỉ số để cho phép các bang chuyển sang giai đoạn thứ ba và giai đoạn cuối cùng của kế hoạch. Hai chỉ số còn lại vẫn sẽ là tỷ lệ tiêm chủng và tỷ lệ sử dụng phòng chăm sóc tích cực (ICU) trong các bệnh viện.
Theo số liệu từ Bộ Y tế Malaysia, số ca nhiễm mới ở nước này lập kỷ lục hơn 20.000 ca vào hôm 4/8, nhưng khoảng 98% chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Để các bang của Malaysia chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3, tỷ lệ số ca nhiễm Covid nhập viện phải giảm còn 3 ca trở xuống trên 100.000 dân. Để đi tới giai đoạn 4, cũng là giai đoạn cuối cùng, tỷ lệ số ca nhập viện phải giảm còn 1,3 ca trên 100.000 dân. Giai đoạn 3 sẽ cho phép các bang được mở cửa tất cả các hoạt động kinh tế, ngoại trừ một số hoạt động nhất định.
Tính đến ngày 3/8, khoảng 31% dân số Malaysia đã tiêm đủ hai mũi vaccine và 62% đã tiêm ít nhất 1 mũi - theo dữ liệu từ Chính phủ.
Tại Philippines đến nay có 9% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Chính phủ ngày 6/8 đã áp phong toả trở lại đối với vùng thủ đô Manila nhằm ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng Delta. Lệnh phong toả này bao trùm 16 thành phố với tổng cộng khoảng 13 triệu dân. Theo dự kiến, đợt phong toả này có thể khiến nền kinh tế Philippines thiệt hại 4 tỷ USD.
Ngày 6/8, Philippines ghi nhận 10.623 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ ngày 17/4. Số ca tử vong là 401 ca, cũng là con số cao nhất từ ngày 9/4.
Tại Singapore, mục tiêu của Chính phủ là tiêm đầy đủ vaccine cho 80% dân số trong năm nay để có thể mở cửa trở lại và “sống chung” với Covid. Mới đây, Chính phủ Singapore còn cấp phép nhập khẩu vaccine Covid do Hãng dược Trung Quốc Sinopharm sản xuất cho hai trung tâm y tế tư nhân, dù cho tới hiện tại, nước này chỉ sử dụng hai loại vaccine là Pfizer và Moderna để tiêm cho người dân.
Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine đã đạt 67% và số ca nhiễm mới bình quân trong 7 ngày tính đến ngày 5/8 là 112 ca, Chính phủ Singapore ngày 6/8 tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 từ ngày 10/8.