15:55 12/09/2022

Các quan chức Fed phát tín hiệu gì về bước nhảy lãi suất trong cuộc họp tháng 9?

Bình Minh

Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày 20-21/9, và câu hỏi lớn nhất đối với giới đầu tư trên toàn cầu vào thời điểm này là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ nâng lãi suất với bước nhảy như thế nào trong lần họp này?...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Trong lúc các thị trường tài chính thấp thỏm chờ đợi, các quan chức Fed gần đây liên tục phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất mạnh tay. Các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích tin rằng nhiều khả năng Fed sẽ có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp, sau khi mức tăng này đã được áp dụng hai lần trong các cuộc họp vào tháng 6 và tháng 7.

Mới đây nhất, phát biểu vào hôm thứ Sáu tuần trước, ông Christopher Waller - một thống đốc Fed - thể hiện sự đồng điệu quan điểm cứng rắn với các đồng nghiệp. Ông nói rằng mình kỳ vọng một đợt tăng lãi suất lớn trong tháng 9. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các nhà hoạch định chính sách nên dừng việc cố gắng đoán về tương lai, và thay vào đó nên hướng sự chú ý vào các dữ liệu kinh tế.

 

Do thị trường lao động vẫn vững mạnh, hiện tại không có sự đánh đổi nào giữa tạo công ăn việc làm và mục tiêu chống lạm phát của Fed, nên chúng tôi sẽ tiếp tục chống lạm phát một cách quyết liệt”.

Ông Christopher Waller, thống đốc Fed

“Nhìn về cuộc họp tiếp theo của chúng tôi, tôi ủng hộ một đợt tăng lớn nữa về lãi suất chính sách”, ông Waller phát biểu tại một sự kiện ở Vienna, Áo. “Nhưng nhìn về tương lai, tôi không thể nói với bạn hướng đi chính sách nào là phù hợp. Mức lãi suất tối đa và tốc độ tăng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào những dữ liệu mà chúng tôi nhận được từ nền kinh tế”.

Quan điểm này của vị thống đốc tương tự như những phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell, Phó chủ tịch Fed Lael Brainard và các quan chức Fed khác. Tất cả các vị này đều bày tỏ quyết tâm kéo lạm phát xuống.

Vào thời điểm ngày thứ Sáu vừa rồi, các nhà giao dịch trên thị trường tài chính Mỹ hiện đặt cược khả năng 90% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 20-21/9. Cách đây 1 tuần, sự đặt cược này mới đạt mức 57% - theo dữ liệu từ công cụ Fedwatch Tool của sàn CME. Đây là bước nhảy lãi suất lớn nhất kể từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất tham chiếu như một công cụ chính sách tiền tệ chủ chốt vào đầu thập niên 1990.

Dù không đề cập đến mức tăng lãi suất cụ thể là bao nhiêu, phát biểu của ông Waller cho thấy quan điểm cứng rắn - dấu hiệu ông ủng hộ bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm và không muốn chỉ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.

“Dựa trên tất cả các dữ liệu mà chúng tôi nhận được kể từ cuộc họp gần đây nhất của Fed, tôi tin rằng quyết định chính sách tại cuộc họp tiếp theo của chúng tôi sẽ được đưa ra một cách dễ dàng. Do thị trường lao động vẫn vững mạnh, hiện tại không có sự đánh đổi nào giữa tạo công ăn việc làm và mục tiêu chống lạm phát của Fed, nên chúng tôi sẽ tiếp tục chống lạm phát một cách quyết liệt”.

Ông Christopher Waller, một thành viên Hội đồng Thống đốc của Fed - Ảnh: CNBC.
Ông Christopher Waller, một thành viên Hội đồng Thống đốc của Fed - Ảnh: CNBC.

Nếu Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần này, lãi suất tham chiếu của Mỹ sẽ tăng lên mức 3-3,25%. Ông Waller nói nếu lạm phát không dịu đi trong thời gian còn lại của năm nay, Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất lên “cao hơn nhiều mức 4%”.

Ông Waller cho rằng Fed nên từ bỏ việc đưa ra “định hướng tương lai” về đường đi của chính sách tiền tệ và những yếu tố có thể xuất hiện ảnh hưởng đến việc quyết định các động thái lãi suất.

“Tôi tin rằng việc định hướng tương lai đang ngày càng trở nên ít có ích hơn ở giai đoạn này của chu kỳ thắt chặt”, ông nói. “Các quyết định trong tương lai về bước nhảy lãi suất và đích đến của lãi suất chính sách trong chu kỳ này chỉ nên được quyết định bởi các dữ liệu kinh tế sắp tới và ảnh hưởng của các quyết định đó đối với hoạt động kinh tế, công ăn việc làm, và lạm phát”.

Vị thống đốc chỉ ra những tín hiệu đáng mừng cho thấy lạm phát đang giảm xuống từ mức đỉnh của hơn 40 năm, nhưng cho rằng không nên “mừng vội”. Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 6,3% so với cùn kỳ năm ngoái, và tăng 4,6% nếu không tính đến hai nhóm thực phẩm và năng lượng. Mức lạm phát này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn của Fed là lạm phát 2%, và ông Waller nói rằng lạm phát vẫn “đang lan rộng” cho dù đã suy yếu.

Ông cũng nói vào năm ngoái, lạm phát có lúc dường như đã suy yếu, nhưng sau đó lại quay đầu tăng mạnh cho tới khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vượt 9% vào tháng 6 năm nay - mức cao nhất kể từ cuối năm 1981.

 

“Lịch sử là một sự cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng các đồng nghiệp của tôi và tôi có sự cam kết mạnh mẽ trong vấn đề này và chúng tôi sẽ tập trung vào đó cho tới khi hoàn thành mục tiêu”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

“Hậu quả của việc bị đánh lừa bởi sự dịu đi tạm thời của lạm phát có thể sẽ lớn hơn nữa ở thời điểm này, nếu sự đánh giá sai tình hình đó gây thiệt hại cho uy tín của Fed. Bởi vậy, cho tới khi tôi nhận thấy sự suy giảm đáng kể và liên tục của lạm phát lõi, tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các bước thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ tiếp theo”, ông Waller phát biểu.

Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George, cũng phát biểu hôm thứ Sáu, chung quan điểm lo ngại về lạm phát nhưng ủng hộ phương pháp cẩn trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Việc tính toán một mức lãi suất đỉnh vào thời điểm này có thể chỉ là một sự đầu cơ và đồn đoán mà thôi”, bà George nói. “Chúng ta sẽ phải xác định đường đi chính sách thông qua việc quan sát thay vì tham khảo các mô hình lý thuyết hay các xu hướng trước khi đại dịch xảy ra”, bà George nói thêm. “Xét tới độ trễ trong ảnh hưởng lan toả của chính sách tiền tệ thắt chặt đối với các điều kiện kinh tế thực tế, cần phải có sự bình tĩnh và chủ định trong tốc độ tăng lãi suất”.

Cần nói thêm rằng, bà George là thành viên duy nhất của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bộ phận quyết định lãi suất trong Fed, bỏ phiếu phản đối việc tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6. Tuy nhiên, bà đã bỏ phiếu thuận cho bước nhảy lãi suất này trong cuộc họp tháng 7.

Trong một cuộc hỏi đáp tại viện Cato vào hôm thứ Năm, ông Powell khẳng định lại quan điểm rằng Fed sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để chống lạm phát. Ông cũng phát tín hiệu rằng Fed sẽ không sớm tạm dừng đà tăng lãi suất hay chuyển sang cắt giảm lãi suất.

“Lịch sử là một sự cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng các đồng nghiệp của tôi và tôi có sự cam kết mạnh mẽ trong vấn đề này và chúng tôi sẽ tập trung vào đó cho tới khi hoàn thành mục tiêu”, ông Powell nói.