17:15 22/10/2008

Các quỹ đầu tư nước ngoài: Lỡ mùa thu hoạch?

Vốn đầu tư tại các doanh nghiệp tư nhân của không ít các quỹ nước ngoài đang bị “tắc”

Đến hẹn, nhưng doanh nghiệp không chịu lên sàn, một số quỹ đầu tư nước ngoài đang lỡ mùa thu hoạch.
Đến hẹn, nhưng doanh nghiệp không chịu lên sàn, một số quỹ đầu tư nước ngoài đang lỡ mùa thu hoạch.
Nguồn vốn đầu tư tại các doanh nghiệp tư nhân của không ít các quỹ nước ngoài đang bị “tắc” vì các doanh nghiệp này không thể lên niêm yết đúng hẹn.

Tắc đường rút vốn…

“Muốn rút vốn ra mà không rút được, đành phải chờ thêm một thời gian”, giám đốc một quỹ đầu tư than về những khoản đầu tư đang “kẹt” ở một doanh nghiệp tư nhân, khi đến hạn rút vốn mà doanh nghiệp vẫn chưa bước lên sàn.

Khác với các quỹ chuyên đầu tư trên sàn, không ít quỹ đầu tư nước ngoài thường tìm mua cổ phần các công ty trước khi IPO, “tân trang” doanh nghiệp và chờ đến khi IPO, hoặc niêm yết thì “thoát vốn” thu hoạch. Tân Đại Hưng, Intresco, Điện Quang, Trường Thành… là điển hình của những khoản đầu tư này.

Một khoản đầu tư của quỹ đầu tư vào một doanh nghiệp tư nhân kéo dài 2 - 3 năm. Vì vậy, bên cạnh những điều khoản như có quyền phủ quyết sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A), phát hành cổ phiếu, thì tối đa ba năm doanh nghiệp phải niêm yết là điều kiện quan trọng đưa ra của quỹ. Doanh nghiệp lên sàn, đồng nghĩa với tính thanh khoản sẽ tăng lên, quỹ có thể bán chứng khoán tái cấu trúc danh mục.

Thế nhưng, chín tháng đầu năm nay số công ty lên sàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do lớn nhất là bởi thị trường đi xuống khiến nhiều chuyên gia đánh giá khó cổ phiếu nào có thể niêm yết với giá cao thời điểm này. “Lên sàn bây giờ là vô nghĩa”, giám đốc trên nói.

Theo ông, có ba lý do khiến cho mùa niêm yết bị ngưng trệ. Thứ nhất, thời điểm này uỷ ban Chứng khoán không khuyến khích niêm yết thông qua việc duyệt cấp phép lên sàn khắt khe, do sức cầu của thị trường đang yếu.

Thứ hai, bản thân doanh nghiệp không muốn, vì lên bây giờ hình ảnh và giá cả công ty bị ảnh hưởng; trong số đó có thể kể đến những cái tên đang lần lữa như Vietcombank, Đông Á, Habubank…

Thứ ba, quỹ đầu tư là người chưa muốn các công ty lên sàn nhất. Theo đó, cứ cuối tháng là quỹ có sự định giá lại danh mục, tính toán lại giá trị tài sản thuần (NAV). Lấy ví dụ, Sumitomo Mitsui mua 15% cổ phần của ngân hàng Eximbank giá 56.000đ/cổ phiếu. Nay ngoài OTC giá Eximbank chỉ còn 22.300 đồng/cổ phiếu.

Nếu Eximbank lên sàn với giá tham chiếu thị trường thì tính ra Sumitomo sẽ lỗ nặng. Trong trường hợp doanh nghiệp chưa lên sàn, với giá OTC, quỹ sẽ dễ bề “nói chuyện” với cổ đông hơn.

Vì tắc đường rút vốn, nhiều quỹ đành gia hạn thêm thời gian lên sàn cho doanh nghiệp.

… Bán trái phiếu chuyển tiền về nước?

“Lỡ” mùa thu hoạch, có quỹ yêu cầu doanh nghiệp bán bớt cổ phần đưa lại tiền, đặc biệt là quỹ đầu tư nước ngoài, giám đốc quỹ đầu tư trên nói.

Điều này lý giải một phần vì sao nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ra trái phiếu trong tháng 9, tháng 10. Chỉ tính từ đầu tháng 10 đến ngày 21.10, tổng giá trị giao dịch riêng trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài xấp xỉ 18.244 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD.

Đây là lượng giao dịch đáng chú ý, nếu so với tổng lượng giao dịch trái phiếu của nước ngoài trong tháng 8 là 12.548 tỷ đồng, tháng 9 là 11.636 tỷ đồng.

Cũng theo đó, thị trường ngoại tệ trong nước cũng có sự biến chuyển, với việc cứ kết thúc phiên giao dịch buổi sáng là buổi chiều giá USD nhích nhẹ, được nhiều người nhận định là do nhà đầu tư nước ngoài bán lấy USD chuyển về nước.

Các ngân hàng thương mại tích trữ khá nhiều USD nên đáp ứng được sức cầu từ nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng theo một giám đốc quỹ đầu tư trong nước, chính vì cung ra khoảng một lượng USD khá lớn (ước tính 500 triệu USD) nên ngân hàng cũng dần cạn nguồn USD.

Quỹ đầu tư nước ngoài chuyển về nước bao nhiêu là một phép tính khó. Có ba dấu hiệu cho thấy là các công ty mẹ của quỹ ngoại rất cần thanh khoản.

Thứ nhất, khi cần tiền trái phiếu là chứng khoán dễ bán nhất. Nếu giao dịch cổ phiếu cả hai sàn mấy tháng nay xoay quanh 400 - 500 tỷ đồng, thì một phiên giao dịch trái phiếu nhà đầu tư ngoại mua bán 1.000 - 1.500 tỷ đồng.

Thứ hai, nếu là quỹ mở thì nếu cổ đông yêu cầu rút vốn, quỹ phải mua lại chứng chỉ quỹ và trả tiền mặt.

Thứ ba, công ty mẹ của các quỹ nước ngoài đang muốn phòng thủ bằng cách giữ thanh khoản, và cũng để sẵn tiền mua các tài sản đang xuống giá mạnh tại Mỹ.

Với đà khủng hoảng tài chính tại các nước, quỹ nước ngoài vẫn còn động lực để bán trái phiếu trong thời gian sắp tới, một chủ quỹ đầu tư nhận xét.

Hồng Sương (SGTT)