Các quỹ ETF rút ròng 4,6 nghìn tỷ đồng từ đầu năm
Chỉ mấy ngày đầu tháng 4/2025, các quỹ ETF bị rút ròng hơn 408 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2025 lên gần 4,6 nghìn tỷ đồng thấp hơn so với năm 2024 - 21,8 nghìn tỷ đồng.

Trong tuần từ ngày 31/3 - 4/4/2025, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bị rút ròng gần 489 tỷ đồng, trong đó động thái rút ròng diễn ra ở 11/19 quỹ, tập trung chủ yếu ở quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF.
Các quỹ ETF ngoại duy trì trạng thái rút ròng với hơn 276 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (-265 tỷ đồng). Ngoài ra, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF cũng bị rút ròng hơn 12 tỷ đồng. Các quỹ ngoại khác không có biến động về dòng tiền.
Áp lực rút ròng trở lại ở nhóm quỹ ETF nội với gần 213 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu ở quỹ VFM VN30 ETF (-129,2 tỷ đồng). Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF bị rút ròng 55 tỷ đồng. Giá trị rút ròng ở 2 quỹ MAFM VNDiamond ETF và quỹ Kim Growth VNFinSelect ETF cũng đồng thời bị rút ròng hơn 12 tỷ đồng.
Với dòng tiền từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký (DRs): Nhà đầu tư Thái Lan bán ròng 2,2 triệu chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VNDiamond ETF (mã FUEVFVND01), tương đương 62,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng bán ra 3,3 triệu chứng chỉ lưu ký ở quỹ VFM VN30 ETF (mã E1VFVN3001), tương đương 74,3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ mấy ngày đầu tháng 4/2025, các quỹ ETF bị rút ròng hơn 408 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2025 lên gần 4,6 nghìn tỷ đồng thấp hơn so với năm 2024 - 21,8 nghìn tỷ đồng.
Tại ngày 4/4/2025, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF (chỉ tính các phân bố vào thị trường Việt Nam) đạt 52 nghìn tỷ đồng, giảm -8,5% so với cuối năm 2024. Top cố phiếu bị các quỹ bán ròng trong tuần 31/3 - 4/4/2025 là ACB, TCB, VPB, MBB, LPB, FPT, HDB.
Quỹ Fubon FTSE Vietnam tiếp tục bị rút ròng hơn 54 tỷ đồng, nâng tổng giá trị rút ròng từ đầu năm là hơn 2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ duy trì bán ra các cổ phiếu với giá trị ước tính hơn 51 tỷ đồng. Top bán ròng là SSI (-172 nghìn cổ phiếu -4,1 tỷ đồng), SHB (-153 nghìn cổ phiếu, -1,8 tỷ đồng), VHM (-137 nghìn cổ phiếu, - 6,9 tỷ đồng), VRE (-114 nghìn cổ phiếu, -2,1 tỷ đồng), và VNM (-92 nghìn cổ phiếu, -5,4 tỷ đồng).

Mới đây, số liệu từ các SSI Research cho thấy, các quỹ ETF đẩy mạnh rút ròng trong tháng 3, giá trị rút ròng ghi nhận ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 7/2024, tương đương 4,3% tổng quy mô tài sản vào cuối năm 2024, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 55,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị rút 3 tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn 44,6% so với cùng kỳ 2024.
Hầu hết các quỹ đều ở trạng thái rút vốn ròng trong tháng 3, đặc biệt là các quỹ ngoại. Cụ thể, quỹ Fubon rút ròng cao nhất từ Tháng 9/2021 đến nay (-1,5 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, quỹ VanEck Vietnam ETF (-123 tỷ đồng) hay Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (-72,8 tỷ đồng) chỉ rút ròng nhẹ.
Các quỹ nội gia tăng rút ròng, DCVFMVN30 ETF (-315,8 tỷ đồng) ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp rút ròng, DCVFMVN Diamond ETF (-336 tỷ đồng), SSIAM VNFinlead ETF (-39 tỷ đồng). Quỹ KIM Growth VN30 ETF là một trong số ít các quỹ có dòng vốn vào ròng (+19,3 tỷ đồng) trong tháng.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động đều ghi nhận rút ròng trong tháng 3. Các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam và các quỹ đầu tư đa quốc gia, rút ròng lần lượt 504 tỷ đồng và 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong Q1/2025, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút 2,1 nghìn tỷ đồng.
Cùng với các thị trường Đông Nam Á, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị bán ròng 11 nghìn tỷ đồng riêng trong tháng 3, và bán gần 28 nghìn tỷ đồng trong Q1/2025.
Tuy nhiên, tính tại thời điểm 31/3, tỷ trọng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo vốn hóa chỉ chiếm 15,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và sự suy yếu của DXY vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ hạn chế áp lực bán ròng từ khối ngoại. Khối ngoại bán ròng trong bối cảnh thận trọng quan sát diễn biến tiếp theo của chính sách thuế quan và tìm đến các thị trường khu vực Châu Âu hay thị trường mới nổi