21:33 17/09/2024

Các thị trường chứng khoán trên thế giới quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như thế nào?

Tuệ Lâm

Tổng hợp trên các thị trường chứng khoán quốc tế cho thấy quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ tập trung vào 3 yếu tố chính: Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, giá trị tài sản ròng (NAV) và thu nhập hàng năm hay tài sản tài chính...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó, một trong những vấn đề đang được quan tâm là tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tiếp tục được nâng cao.

Theo đó, đối với cá nhân, bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp "phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; (ii) có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng/năm trong 02 năm gần nhất".

Trong khi Luật hiện hành quy định rõ: "Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả".

Việc bổ sung quy định tần suất giao dịch đang gặp phải phản ứng lớn của nhiều nhà đầu tư trong nước. Nhiều ý kiến bày to lo ngại quy định sẽ thu hẹp một lượng đáng kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp do nhiều nhà đầu tư thuộc trường phái nắm giữ dài hạn, đa phần nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất lại là người giao dịch ít nhất mỗi năm có thể chỉ đi 10 lệnh.

"Việc tần suất giao dịch không nói lên được điều gì của một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Danh mục đầu tư của tôi hiện tại gần 6 tỷ đồng nhưng tôi cũng hiếm khi giao dịch, mua để đó nắm giữ những cổ phiếu cơ bản ăn cổ tức thay vì gửi tiết kiệm. Nếu quy định như dự thảo sửa đổi thì tôi sẽ không được mua trái phiếu, như vậy là hạn chế nhu cầu đầu tư của tôi trong khi tôi là người thâm niêm 20 năm đầu tư nên hiểu rất rõ về thị trường tài chính", ông Đặng Quốc Phong, một nhà đầu tư trên thị trường nói. 

Giám đốc khối phân tích của một Công ty chứng khoán cho rằng việc đưa yếu tố về tần suất giao dịch sẽ không phù hợp với tiêu chí như ở các quốc gia khác và điều này có thể là một rào cản cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu và gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản của thị trường này đang ở mức thấp sau 2022.

Tổng hợp trên các thị trường chứng khoán quốc tế cho thấy quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ tập trung vào 3 yếu tố chính: Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, giá trị tài sản ròng (NAV) và thu nhập hàng năm hay tài sản tài chính. 

Cụ thể tại Singapore, nhà đầu tư chuyên nghiệp (Professional Investor) được định nghĩa rõ ràng bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) theo Securities and Futures Act (SFA). Để được xem là nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức cần đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Cá nhân có giá trị tài sản ròng vượt quá 2 triệu SGD, hoặc có thu nhập hàng năm ít nhất 300,000 SGD , hoặc tài sản tài chính vượt 1 triệu SGD; Tổ chức là một pháp nhân có tài sản ròng vượt 10 triệu SGD, hoặc là tổ chức tài chính được cấp phép.

Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán Malaysia (Securities Commission Malaysia - SC) quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Capital Markets and Services Act 2007 (CMSA). Các tiêu chuẩn gồm: Nhà đầu tư tổ chức bao gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư, và các công ty bảo hiểm có AUM vượt 10 triệu MYR; Nhà đầu tư cá nhân phải có tổng tài sản cá nhân vượt 3 triệu MYR hoặc có thu nhập hàng năm không dưới 300,000 MYR.

Tương tự, tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (Securities and Exchange Commission - SEC) quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp trong hai loại chính: Nhà đầu tư tổ chức bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, hoặc các tổ chức tài chính khác.

Nhà đầu tư có thu nhập cao: Cá nhân cần có tài sản ròng ít nhất 30 triệu THB, hoặc có thu nhập hàng năm ít nhất 3 triệu THB. Hoặc đầu tư vào chứng khoán và phái sinh ít nhất 8 triệu THB (hoặc 15 triệu THB cash trong tài khoản); Nhà đầu tư có thu nhập siêu cao gấp đôi so với nhà đầu tư có thu nhập cao.

Tại Indonesia, quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp do Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (Otoritas Jasa Keuangan - OJK) quản lý. Theo quy định, nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính hoặc cá nhân có kinh nghiệm giao dịch chứng khoán và đáp ứng yêu cầu về tài sản tối thiểu và mức thu nhập. Cụ thể, nhà đầu tư cần có tổng tài sản tối thiểu khoảng 5 tỷ IDR (khoảng 330,000 USD) hoặc có thu nhập hàng năm ít nhất 500 triệu IDR (khoảng 33,000 USD).