11:48 08/12/2008

Cách ứng xử trong vụ sập trần Caravelle

Vụ sập một phần trần ở tầng trệt ngay sảnh khách sạn 5 sao Caravelle Sài Gòn tối 6/12/2008 có thể do chập điện

Ứng xử khủng hoảng không đúng cách có thể làm trầm trọng thêm vấn đề - Ảnh: Trần Việt Đức.
Ứng xử khủng hoảng không đúng cách có thể làm trầm trọng thêm vấn đề - Ảnh: Trần Việt Đức.
Vụ sập một phần trần ở tầng trệt ngay sảnh khách sạn 5 sao Caravelle Sài Gòn tối 6/12/2008 có thể do chập điện.

Tuy không có người chết, vụ việc không đến nỗi nghiêm trọng trong suy nghĩ của người dân và khách nước ngoài đang lưu trú tại khách sạn, nếu như cách xử lý được nhạy bén hơn của những người có thẩm quyền trước một tình huống khẩn cấp xảy ra.

Chị Juddy, du khách Singapore đi nghỉ cùng gia đình nhóm 10 người vừa nhận phòng khách sạn trong chiều cùng ngày. Đứng trước nhà hát Thành phố lúc 22h30, chị cho biết vừa ra khỏi khách sạn độ 15 phút, thì nghe có tiếng nổ, chị quay lại, nhưng không được phép vào khách sạn, trong khi hai người con của chị vẫn đang ở trong khách sạn. Chị tìm cách liên lạc theo số điện thoại của khách sạn để gọi hai người con ra ngoài. Họ cho biết, khách sạn không có chuông báo động, và sau vụ nổ 45 phút, chị và gia đình vẫn luẩn quẩn ở hàng rào bảo vệ an ninh, mà không gặp một nhân viên khách sạn, hay một ai đó có thể hướng dẫn.

Cũng thời điểm đó, nhiều khách ở tầng cao vẫn không biết việc gì đang diễn ra dưới tầng trệt, sau khi họ nhìn qua cửa kính khách sạn, thấy lực lượng cảnh sát và cứu hoả đang bám dày đặc phía dưới.

Từ 22h45, hàng rào bảo vệ an ninh được nới rộng thêm, bao quanh toàn bộ quảng trường trước nhà hát Thành phố, và khách sạn vẫn không có người có trách nhiệm phát ngôn chính thức để giải thích về vụ việc đã xảy ra nhằm trấn an khách hàng của mình, do đó nhiều người đã hoảng loạn. Chị Juddy cùng gia đình trở vào khách sạn, lại bị công an ngăn cản. Người công an làm nhiệm vụ nói đây là lệnh của cấp trên, cấm mọi người ra vào, trừ công an làm nhiệm vụ.

Một số phóng viên ghi hình trong khu vực bị mời về phường làm việc, hoặc phải xoá dữ liệu trong thẻ nhớ vì tác nghiệp trong khu vực chưa được cho phép. Hơn nữa, do bất đồng ngôn ngữ giữa du khách nước ngoài với công an, nên sự việc trở nên tồi tệ. Nhân viên khách sạn cũng trở thành người ngoài cuộc trước quyết định của lực lượng công an.

Mãi đến khi du khách nước ngoài tụ tập ngày càng đông đòi trở vào khách sạn, công an mới giải quyết cho những ai có chìa khoá phòng mới được vào, nhưng không có mấy ai đem theo chìa khoá phòng lúc đi ra ngoài, lệnh phải nới rộng thêm, rốt cùng ai cũng có thể vào.

Chính do không thông tin kịp thời về vụ việc vừa xảy ra, do thiếu sự phối hợp giữa công an và nhân viên khách sạn, nhiều vị khách của Khách sạn Caravelle cảm thấy bất an, và họ đã quyết định làm thủ tục trả phòng.

Lúc 23h45, ba vị khách Nhật rời khỏi lối đi phụ của Khách sạn Caravelle, họ cho biết lý do họ rời khỏi khách sạn là vì không có nhà chức trách nào giải thích về vụ việc đã xảy ra. Họ đã nghe tiếng nổ giống như sấm, nhìn xung quanh thấy hiện trường đầy cảnh sát và người hiếu kỳ phía trước sảnh khách sạn, mà không biết chuyện gì đã diễn ra.

Rải rác sau đó, các vị khách khác lần lượt trả phòng, rời khỏi khách sạn. Cô Huong Nguyen - tên ghi trên hành lý - một Việt kiều trở về từ Pháp, cùng chồng hớt hải xách hành lý ra khỏi khách sạn lúc 12h đêm, nói: “Chúng tôi ở trong phòng, không biết chuyện gì đã xảy ra trong khách sạn, nghe người nhà gọi đến có vụ nổ ở tầng trệt, nên vội làm thủ tục trả phòng, ra khỏi khách sạn cho chắc ăn”.

Vụ việc sập trần Khách sạn Caravelle diễn ra tại ngay trung tâm thành phố, những khách trú trong khách sạn đa phần là người nước ngoài, một số ít là Việt kiều, do đó, họ cần phải được giới chức trách sớm thông báo rõ vụ việc vừa xảy ra nhằm tránh hoảng loạn không đáng có. Hình ảnh những chiếc xe cứu hoả, lực lượng công an rào chắn dày đặc, phóng viên ảnh tác nghiệp, những nhân viên của khách sạn thoát ra ngoài với vẻ mặt hốt hoảng…, nếu không có sự giải thích rõ ràng kịp thời, sẽ dễ dẫn vụ việc từ một tai nạn thông thường, sang sự hiểu lầm tai hại hơn như âm mưu khủng bố, hay một vụ nổ nghiêm trọng.

Mặt khác, dưới góc độ kinh doanh và cả quản lý nhà nước, ngay khi khách đã trả phòng, nghĩa là khách sạn hết... nghĩa vụ, cũng phải thấy rằng sự ra đi vào lúc nửa đêm của họ như vậy là... bất đắc dĩ. Khách sạn Caravelle hay lực lượng hữu quan về du lịch cần có sự hướng dẫn cho khách, ít nhất là trong việc tìm khách sạn khác.

Nguyễn Đình - Mỹ Lệ (SGTT)