06:02 04/01/2022

Cấm bán hàng tại chỗ khiến sức đề kháng của ngành ăn uống giảm sút?

Thành Trung

Ngành ăn uống vốn đã kiệt sức vì 2 năm chống chọi với đại dịch, đang dần hồi phục thì nay lại “lảo đảo” đứng không vững với quy định cấm bán hàng tại chỗ của các quận trên địa bàn trung tâm Hà Nội...

Việc cấm bán hàng ăn uống tại chỗ khiến các tiểu thương, doanh nghiệp thêm kiệt sức
Việc cấm bán hàng ăn uống tại chỗ khiến các tiểu thương, doanh nghiệp thêm kiệt sức

Hiện tại, Nghị quyết 128 vẫn là văn bản cao nhất của Chính phủ về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó quy định chỉ các khu vực “màu đỏ”, tức là cấp 4, mới phải dừng hoạt động bán hàng tại chỗ. Tuy nhiên, đi “tiên phong” là quận Đống Đa (từ 12h trưa ngày 13/12/2021) và tiếp bước là các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai đã cấm hoạt động ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về tại địa bàn các quận “vùng cam” thuộc cấp 3 này (mới chỉ ở mức “nguy cơ cao”, theo Nghị quyết 128). Ngành ăn uống vốn đã kiệt sức vì 2 năm chống chọi với đại dịch, đang dần hồi phục, nay lại “lảo đảo” đứng không vững với quy định khá khó hiểu của các quận.

QUAY LẠI ĐIỂM XUẤT PHÁT

Vừa thoăn thoắt thái thịt, bốc bánh, làm phở cho khách, anh Đức chủ quán phở gà nổi tiếng ở Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, Hà Nội, vừa nhắc nhân viên thu dọn dần bàn ghế để kịp đóng cửa hàng trước 12h ngày 26/12/2021. Đây là thời điểm toàn bộ hàng quán trên địa bàn quận buộc phải đóng cửa, không phục vụ khách ăn uống tại chỗ mà chỉ được phép bán mang về theo quy định mới của UBND quận.

“Tôi không hiểu vì sao lại có quy định này khi tỷ lệ tiêm 2 mũi của thành phố rất cao và Chính phủ chủ trương sống chung, thích ứng an toàn với dịch. Đây là thời điểm cuối năm cận Tết, chúng tôi cố gắng bán hàng để gỡ lại một năm kinh doanh ảm đạm thì nay lại bị cấm bán tại chỗ. Khách của tôi đa phần đều mong muốn ăn phở tại chỗ cho nóng, họ rất tuân thủ 5K và đều đã tiêm đầy đủ”, anh Đức cho biết.

Trước đó, ngày 17/12 người viết có dịp trò chuyện với chị Thu, chủ một quán bún sườn ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, nơi ban hành lệnh cấm bán hàng tại chỗ đầu tiên (từ 12h trưa ngày 13/12) tại Hà Nội. Chị Thu cho biết bình thường chị bán khoảng gần 1 tạ bún một ngày, nhưng sau khi bị cấm bán tại chỗ lượng khách đã sụt giảm mạnh. Số khách mua về thưa thớt khiến chị phải cho 2 nhân viên phục vụ nghỉ bớt, chỉ giữ lại 1 người. “Tôi cảm thấy mệt mỏi vì quy định này. Đã đành phải chấp hành chủ trương của thành phố, nhưng Hà Nội đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng vaccine chống Covid-19 rất cao mà vẫn cấm đoán thì chưa hợp lý. Kinh tế đã rất khó khăn giờ cuối năm lại không được bán hàng tại chỗ thì Tết nhất đến nơi rồi không biết xoay sở ra sao?”, chị Thu than thở.

Trên thực tế, gần 100% dân số Hà Nội đều đã được tiêm 2 mũi vaccine chống Covid-19. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã xác định thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”. Điều cần làm là các quận, huyện của Thủ đô phải nhất quán trong việc thực hiện Nghị quyết 128. Chẳng hạn như các “vùng cam” thì hạn chế 50% công suất của các nhà hàng, quán ăn chứ không nên cấm bán tại chỗ. Trong khi đó, TP.HCM không cấm bán hàng tại chỗ ngay cả trong các “vùng cam” và hiện thành phố này cũng không còn vùng cam.

Việc cấm ăn uống tại chỗ sẽ làm nảy sinh tình trạng người dân di chuyển ra các khu vực gần đó không bị cấm để ăn uống. Chính điều này sẽ gây ra tình trạng một số nơi sẽ bị dồn lại rất đông người, đặc biệt khi nơi đó có hàng ăn ngon và không phải “vùng cam”. Lấy ví dụ, tại cùng khu đô thị Times City, phần lớn hàng quán phải dừng phục vụ tại chỗ thì chỉ cách đó vài chục mét, hàng quán tại khu Park Hills vẫn hoạt động bình thường vì thuộc quận Hoàng Mai (khi quận này chưa trở thành “vùng cam”). 

Thông báo chỉ bán mang về là việc cực chẳng đã của nhiều tiểu thương Hà Nội
Thông báo chỉ bán mang về là việc cực chẳng đã của nhiều tiểu thương Hà Nội

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối Vận hành, Tập đoàn Golden Gate, dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành dịch vụ ăn uống. Lần giãn cách xã hội vừa qua đã làm mất việc làm và giảm thu nhập của 70% dân số thuộc độ tuổi lao động. “Lần đầu tiên chúng ta thấy số lượng cửa hàng đóng cửa lớn như vậy, số lượng mặt bằng trống tại những tuyến phố “vàng” trung tâm trước đây treo biển mà vẫn không có người thuê. Có thể nói, ngành dịch vụ và người lao động trong ngành này bị kiệt quệ sau thời gian dài chiến đấu với Covid-19”, ông Khánh phân tích.

Tuy nhiên, nhờ có các chỉ đạo chính xác và linh hoạt từ Chính phủ, nước ta đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất và đang tiến tới dần việc sống chung với Covid-19 trong “bình thường mới”, thay vì chọn chiến lược “Zero Covid”. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi nhanh chóng trong 2 tháng vừa qua. Dù vậy, có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp F&B đều không đồng tình với quyết định mới của thành phố về việc cấm hoạt động bán hàng tại chỗ tại 5 quận nói trên, khi các quận này mới ở cấp độ 3 chứ chưa chuyển sang cấp độ 4. Ông Khánh cho rằng: “Quyết định này có thể là tín hiệu của việc kéo chúng ta quay lại điểm xuất phát trong tiến trình thích nghi và sống chung với Covid-19”.

NHIỀU HỆ LỤY ĐỐI VỚI KINH TẾ - XÃ HỘI 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 trong tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm thì ngành dịch vụ (bao gồm du lịch, khách sạn, F&B) chiếm 39,5%. Thống kê của VCCA cho thấy, cả nước có khoảng 550.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán bar với số lao động trực tiếp chiếm khoảng 10% dân số. Đó là chưa kể các doanh nghiệp dịch vụ nằm trong chuỗi cung ứng hay hệ sinh thái đi theo.

Nhớ lại hồi tháng 10 vừa qua, quận Bình Tân của TP.HCM, mặc dù đã chuyển thành màu cam nhưng chính quyền thành phố vẫn áp dụng nhất quán theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Thực tế là sau một thời gian ngắn, quận này đã trở lại màu xanh trong khi các dịch vụ ăn uống không bị cấm bán tại chỗ nên không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và việc thu thuế của quận Bình Tân.

Anh Thắng, nhân viên phục vụ tại quán phở xào Phú Mỹ nổi tiếng trên phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhìn xa xăm và băn khoăn khi sắp Tết mà lượng khách của quán Thắng đang làm sẽ giảm vì không được ngồi ăn tại chỗ. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của Thắng và các nhân viên khác của quán.

“Chán lắm anh ạ, ăn phở xào mà mang về thì mất ngon, khách sẽ giảm ngay”, Thắng chia sẻ. Đi một vòng các phố cổ, có thể dễ dàng chụp ảnh các hàng quán lớn nhỏ, các khách sạn và nhà hàng cửa đóng then cài. Phố cổ vốn đã vắng, nay lại càng vắng hơn sau lệnh cấm bán hàng tại chỗ kể từ 12h trưa ngày 26/12, trong khi lẽ ra thời điểm gần Tết Dương lịch này khách khứa thường rất đông, hàng quán tấp nập.

Tập đoàn Golden Gate có 14 nhà hàng tính riêng tại quận Đống Đa. Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối Vận hành của Tập đoàn, với việc đã chuẩn bị kỹ các phương án dự phòng và kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, các nhà hàng của Golden Gate đã và sẽ có khả năng kinh doanh linh hoạt để thích nghi với tình hình dịch bệnh trong dài hạn.

“Tuy nhiên, quyết định này của chính quyền vẫn có tác động rất lớn tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đang tạo ra việc làm nói chung cũng như thu nhập của người lao động và các hệ thống chuỗi lớn như Golden Gate cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng cho nhân sự trong ngành F&B khi đã gần Tết mà còn bị giảm thu nhập, thậm chí sẽ mất việc trong khi họ mới quay lại thị trường không lâu”, ông Khánh bày tỏ.  

Một hệ lụy lâu dài khác, là khi Chính phủ đã chấp thuận mở lại thí điểm các đường bay thương mại quốc tế vào cuối năm nay và đầu năm sau, thì việc cấm bán hàng tại chỗ sẽ cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, làm sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp dẫn đến thu ngân sách và thuế cũng bị giảm theo. Việt Nam không chỉ là điểm đến của du lịch thắng cảnh, du lịch trải nghiệm mà còn là du lịch ẩm thực đối với du khách quốc tế. Ngành F&B đóng một vai trò to lớn trong việc thu hút và giữ chân khách du lịch quốc tế tại Việt Nam, Vì vậy việc cấm phục vụ tại chỗ không chỉ làm giảm độ hấp dẫn của ngành du lịch, mà còn làm du khách lo ngại nhiều hơn về mức độ an toàn và khả năng phòng dịch của nước ta khi đưa ra quyết định.

Ông Hoàng Quốc Khánh kiến nghị: “Việc sống chung với Covid-19 trong bình thường mới theo chủ trương của Đảng và Chính phủ sẽ có thể kéo dài trong cả năm 2022, thậm chí sang năm 2023. Vì vậy các thành phố, quận, huyện cần thận trọng khi đưa ra các quyết định hạn chế hoạt động kinh doanh vượt cấp độ cảnh báo, cần đồng lòng thực hiện đúng và tuân theo chỉ đạo của Chính phủ”.