Cầm bút giữa những hiểm nguy kề sát
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là một cây bút chuyên về phóng sự điều tra, được biết tới nhiều nhất qua những thiên phóng sự nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu và giá trị nhân văn...
Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có cuộc trò chuyện, chia sẻ về nghề nghiệp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy.
Cơ duyên nào đã đưa anh trở thành một nhà báo chuyên đi vào mảng phóng sự điều tra?
Mặc dù được gắn mác “nhà báo điều tra”, song tôi không biết mình có năng khiếu về vấn đề này hay không. Nhưng tôi rất say mê với chủ đề này. Từ nhỏ tôi thích truyện về thám tử Selock Home của nhà văn Anh Conal Doyle. Bố tôi cũng hay đấu trí với chúng tôi về khả năng điều tra.
Trước đây, tôi viết chân dung nghệ sĩ, chân dung các nhà nghiên cứu khảo cổ. Rồi sau đó, tôi nhận ra rằng viết về đề tài đó cũng tốt thôi, nhưng tại sao mình không tác nghiệp ở những đề tài tác động đến xã hội mạnh hơn. Đúng thời điểm đó, tôi chuyển sang làm việc cho báo An ninh thế giới, làm lính của các nhà báo, nhà thơ Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Hồng Thanh Quang. Từ đó, suốt ngày tôi đi với các chiến sĩ công an, đi với các điều tra viên, thế là cái “máu” điều tra dần nhiễm vào tôi lúc nào không hay.
Thực hiện phóng sự điều tra, các thông tin mà mình cần thường bị các đối tượng né tránh cung cấp. Vậy anh làm thế nào để tiếp cận được các đối tượng, “moi” ra được các thông tin?
Tôi luôn trong tâm thế phải đối mặt với những tội phạm, mà đã là tội phạm thì thường rất nguy hiểm. Nếu họ hợp tác cung cấp thông tin cho tôi mới là lạ, còn ngược lại, họ luôn tìm cách trốn tôi, không hợp tác mới là chuyện bình thường.
Có những địa phương, khi tôi lọt vào một vùng nào đó, thì lãnh đạo huyện gọi điện thoại cho tôi bảo: “Tỉnh vừa gọi điện trách đấy, họ bảo làm thế nào mà thằng Đỗ Doãn Hoàng lại chui được vào địa bàn đó mà không biết?”.
Chính quyền các địa phương luôn cảm thấy lo lắng khi tôi đến vùng đất của họ. Họ bảo: “Chỗ đấy phải có chuyện gì thì thằng đó mới đến, vì nó làm điều tra mà, chứ nó có viết báo ca ngợi bao giờ đâu!”.
Thực ra họ nghĩ như vậy là không đúng. Vì cũng có nhiều bài báo tôi ca ngợi hình ảnh tốt, để tạo sự lan tỏa đến tất cả mọi người. Hàm lượng vụ việc xấu tôi đem ra tố cáo và những bài ca ngợi sự việc tốt chiếm tỷ lệ ngang nhau: 50-50. Tuy nhiên, trong mắt họ chỉ luôn thấy tôi làm các vụ điều tra nóng bỏng: phá rừng ở đâu, đánh bắt thú hoang ở đâu, dân rên xiết chỗ nào, không thực thi công lý ở đâu...
Tôi vẫn nói vui là chúng tôi điều tra bảo vệ môi trường đủ cả thủy - lục - không quân và dưới lòng đất nữa. Tài nguyên bị đào bới dưới lòng đất như quặng các loại, cho đến di sản, tài nguyên quý trên mặt đất bị ăn cắp, tàn phá (như các loại rừng bảo tồn quý, các loài động vật hoang dã quý hiếm). Tiếp đến là bầu trời bị xâm hại do khí thải trực tiếp và mặt nước bị đầu độc do các nguồn thải sinh hoạt và các nhà máy công nghiệp chưa qua xử lý...
Tôi đã quen mặc định với việc họ không tiếp mình rồi. Vì vậy, tôi luôn đặt câu hỏi: vụ này có nên gặp cơ quan chức năng trước khi đăng báo không? Nếu gặp thì sẽ rắc rối. Không gặp thì cũng không được trả lời đầy đủ những câu hỏi mà mình đặt ra, vì người ta nắm thông tin, từ công an, chính quyền. các ông trưởng thôn, chủ tịch xã, chủ tịch huyện với các bản án điều tra họ đang nắm giữ. Nhưng nếu gặp họ, thì có bất lợi cho cuộc điều tra của mình hay không, họ có ngăn cản, có chạy trọt hay không? Họ có “loby” tác động hay không?
Lại thêm một câu hỏi băn khoăn: có nên điện thoại trước, hay gửi công văn trước, hay cứ thế xông thẳng vào hỏi. Mà nếu xông thẳng vào thì có đúng luật hay không? Có mất lịch sự hay không? Vì xin làm việc với ông “quan” đầu tỉnh mà không gửi công văn hẹn trước, không qua văn phòng, nhưng nếu qua đó mà họ từ chối không tiếp, thì làm thế nào.
Nếu cứ xông đến, họ mời ra, mình lại lu loa lên, viết trên báo rằng chính quyền đuổi nhà báo, thì họ sẽ vu cho mình tội đến gây sự, sẽ không phải là điều hay ho. Nhiều khi, tôi nhắn tin cho ông giám đốc sở, hay chủ tịch tỉnh thế này: “ Báo cáo anh, tôi đang làm vụ này, xin anh cho gặp, nếu anh không cho gặp thì cho tôi được gặp cơ quan cấp dưới. Tôi nghĩ rằng gặp tôi lúc này là nhà báo tử tế, có giấy giới thiệu, công văn kèm theo, nếu tiếp được thì cho tôi gặp. Nếu từ chối gặp, thì tôi xin phép cho tôi được độc lập điều tra và tôi sẽ tự chịu trách nhiệm.” Nhiều khi mình nói thẳng như thế thì họ cân nhắc chuyện được mất và họ sẽ cho gặp.
Với các đối tượng cần điều tra để khai thác thông tin, dĩ nhiên phóng viên phải giấu mình. Chả lẽ khi nhìn thấy thằng nghiện đang chích thuốc ở đường tàu, lại giơ máy ảnh lên bảo: “Xin phép cho chụp tấm ảnh”. Mình phải vào những vai khác để tiếp cận họ như giả làm người bán ma túy.
Giới hạn mong manh giữa vi phạm pháp luật và điều tra chính đáng của người làm báo, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ về luật pháp để tiếp cận. Chúng tôi thường không nói mình là nhà báo và không mặc giống một trí thức mà thường vào rất nhiều vai khác nhau, giống như con kỳ nhông, con kỳ đà biến màu. Nhiều vụ chúng tôi còn phải xin phép cơ quan chức năng cho sử dụng biển xe ô tô giả.
Những hình ảnh sự thật được đưa lên dưới ống kính máy quay, với lời nói từ chính những kẻ đó nói ra, sẽ tạo sự thuyết phục hơn nhiều cho bài báo, tạo niềm tin trực diện hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn. Đôi khi đau đớn hơn, hài hước hơn.
Được biết, nhiều lần anh từng đối mặt với hiểm nguy, từng bị đe dọa trả thù khi những phóng sự của anh được đăng tải. Xin hỏi những trải nghiệm của anh về tình huống này như thế nào?
Có bà “ trùm” nửa đêm đi tìm tôi đòi chụp ảnh chung vì “chị quý em lắm”. Song thật ra là họ quyết lưu giữ hình ảnh của tôi để ngầm nói rằng: “Mày mà làm phản thì đừng có trách”. Có vụ, rời nhà “đại ca”, tôi nhận được một cái ảnh chân dung mình khi ngồi nhà ông ta thương thảo làm ăn to. Hóa ra không phải nhà báo chụp ảnh lén, mà “ông anh” còn cao tay hơn.
Khi đi với các lực lượng điều tra, chúng tôi được họ tạo điều kiện “làm án” với xe biển số ngụy trang để tránh bị nghi ngờ. Có khi tôi in cardvisit giả tên, giả số điện thoại, giả nghề, facebook và zalo đều giả. Khi tung bài lên, nửa đêm phóng viên bị đối tượng dựng dậy bằng cuộc điện thoại “tao xiên chết mày”, “tao không tìm được mày thì tao không phải là thằng Hiếu”. Có khi bà chị buôn thú rừng, từng nấu cao hàng trăm con hổ, thách thức: “Đăng bài như thế vẫn thường lắm”, hoặc “khua môi múa mép lừa tao như thế là giỏi đấy, chờ quả báo nhé”.
Nhiều lần, tôi nhận “gửi gắm” từ cơ quan điều tra, nằm vùng trong hang ổ của các đối tượng buôn gỗ nghiến quý hiếm siêu lợi nhuận, nhìn sự tinh ranh và liều lĩnh đầu xanh đầu đỏ của chúng, ai nấy tái mặt lo lắng. Nhiều khi đi bộ cả ngày trong rừng, trời tối dựng lều mà chưa biết số phận mình ra sao giữa bốn bề bịt bùng mà người dẫn đường bí ẩn cũng chưa biết họ đứng về phe nào.
Thót tim nhất là những cuộc bị rượt đuổi, bị vác dao đe dọa. Tôi cũng từng bị nhiều đối tượng tấn công, đòi đập nát ngón tay cầm bút. Hoặc khi đang vào vai đồng phạm để tác nghiệp, khi “vở kịch” đang diễn ra, lực lượng điều tra phá án ập vào mà các phóng viên (vào vai đồng phạm) vẫn cố nán lại để giám sát cơ quan thực thi pháp luật và “ham” sưu tầm thêm video, hình ảnh, rồi bị những kẻ phát giác lao vào chửi bới.
Khi vắt kiệt mồ hôi rồi nằm bẹp trên liếp cỏ trong các cuộc leo núi ngày nọ qua ngày kia, ánh mắt cảnh giới và đe dọa của lâm tặc cùng chim lợn cứ chập chờn ẩn giấu trong tán rừng như hoang thú...
Hỏi có mệt, có sợ không? Có chứ! Song, nếu bạn tự nguyện làm và đam mê với nó, thì vất vả thế nào cũng chỉ là con số không. Tôi gọi, đó là trách nhiệm cộng đồng của ngòi bút.
Đôi khi, nhà báo cần “tràn lấn” tâm huyết của mình ra ngoài trang viết, với cả các phần viết quyết liệt cho chủ đề đó, giống như một nhà hoạt động xã hội thiện lương.