10:47 10/10/2022

Cam kết hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam

Minh Tú

Với những nỗ lực của Chính phủ, Doanh nghiệp, cả người dân và những hỗ trợ từ các tập đoàn nước ngoài, cụ thể là Tập đoàn Wärtsilä, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2025 của Việt Nam sẽ cho kết quả như mong đợi…

Dưới đây là chia sẻ của ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia Việt Nam mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä, về những thông tin liên quan đến Quy hoạch điện 8, hỗ trợ Việt Nam đạt cam kết Net zero mà Tập đoàn đã và đang triển khai trong thời gian qua.

Việt Nam đã cam kết đạt Net zero tại hội nghị COP26 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn còn hiểu biết hạn chế về cam kết này. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân?

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia Việt Nam mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Quốc gia Việt Nam mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä.

Việc nâng cao nhận thức về cam kết Net zero ở các cấp độ khác nhau là trọng tâm để nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ tất cả mọi người. Đối với công dân hay doanh nghiệp, cần có những phương án tiếp cận đơn giản hóa bao gồm những yêu cầu gì để đạt được Net zero, lộ trình dẫn đến Net zero sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào và khuyến khích mọi người trở thành một phần của cuộc hành trình này. Công tác truyền thông mang tính cởi mở là cần thiết.

Đại diện của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ cần nguồn vốn lớn (dự kiến 330-370 tỷ USD) để đạt Net zero vào năm 2050. Việt Nam cần phải làm gì để thu hút hỗ trợ tài chính, đặc biệt từ các tập đoàn nước ngoài?

Nguồn đầu tư tài chính tư vào lĩnh vực năng lượng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà phát triển dự án quốc tế sẽ yêu cầu phải có các chính sách dài hạn và khả thi để thu hút đầu tư.

Để tiếp tục thúc đẩy nguồn đầu tư hơn nữa vào năng lượng tái tạo, Việt Nam cần xây dựng các chính sách mới như cơ cấu biểu giá mới cho các nhà máy điện mặt trời và điện gió đã lỡ hẹn hưởng giá FiT cũng như các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư mới, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Việc tạo ra một thị trường điện cạnh tranh hơn sẽ giúp đem lại những lợi ích cho người dân trong khi vẫn thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trên toàn thế giới.

Theo ông, để đảm bảo cân bằng giữa việc giảm khí thải carbon và mục tiêu an ninh cung ứng điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện cần phải làm gì và có lộ trình như thế nào?

Việc dịch chuyển từ hệ thống điện vốn dựa vào các nguồn điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là một quá trình phức tạp, kéo dài nhiều năm đòi hỏi có sự hiểu biết rõ ràng về mối tương quan giữa chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Một lộ trình rõ ràng là cần thiết.

Trong ngắn hạn, từ nay đến năm 2030, Việt Nam nên bổ sung một lượng đáng kể các nguồn năng lượng tái tạo mới vào hệ thống điện cũng như bổ sung động cơ ICE linh hoạt và pin tích trữ năng lượng. Theo tính toán của chúng tôi, năng lượng tái tạo có khả năng cung cấp gần 50% sản lượng điện của Việt Nam vào cuối năm 2030. Lượng công suất nguồn điện linh hoạt cần tăng đáng kể vào năm 2030 nhằm đảm bảo tính ổn định cho lưới điện trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Ngoài ra, các hệ thống pin tích trữ năng lượng (ESS) có thể đem lại khả năng ổn định hệ thống điện nhanh chóng và giúp tích trữ sản lượng điện dư thừa từ các nguồn năng lượng tái tạo để phát vào những thời điểm khác trong ngày.

Trong trung và dài hạn, từ năm 2030 đến 2050, khi đã có đủ sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo và khả năng cân bằng hệ thống từ các nhà máy điện ICE cùng hệ thống pin tích trữ, Việt Nam có thể tiến hành loại bỏ các nhà máy điện không linh hoạt như các nhà máy điện than và dầu, chuyển đổi các nhà máy điện linh hoạt sang chạy bằng nhiên liệu bền vững và cuối cùng loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch.

Cuối cùng là sản xuất nhiên liệu bền vững không phát thải carbon như khí hydro xanh để làm nguồn nhiên liệu chính cho các động cơ linh hoạt ICE. Nguồn đầu tư này sẽ giúp Việt Nam loại bỏ hầu hết các nhà máy điện than vào năm 2040 trước khi kết thúc thời gian vận hành. Đối với một lượng nhỏ công suất điện than còn lại trong hệ thống vào năm 2045, Việt Nam cần có kế hoạch triển khai áp dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) để giảm phát thải carbon một cách triệt để.

Với vai trò là một tập đoàn công nghệ thông minh hướng tới một tương lai 100% năng lượng tái tạo. Cho đến thời điểm này, Wärtsilä đã thực hiện cam kết hổ trợ Việt Nam đạt Net zero như thế nào thưa ông?

Trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Wärtsilä đã hỗ trợ sự phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam bằng cách cung cấp các nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất như động cơ đốt trong ICE và ESS. Đây là những công nghệ phù hợp nhất để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Do hai giải pháp linh hoạt này còn tương đối mới ở Việt Nam, trong những năm qua, chúng tôi đã có rất nhiều những hoạt động nhằm giới thiệu các giá trị mà những giải pháp này mang lại tới các cơ quan, tổ chức có liên quan tại Việt Nam và mới nhất có báo cáo "Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á".

Tại Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng một mô hình hệ thống điện tối ưu trong tương lai, gồm một hệ thống điện Net zero vào năm 2050. Chúng tôi cũng thường xuyên có những cuộc đối thoại với các cơ quan, tổ chức có liên quan để đưa ra những khuyến nghị nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng Quy hoạch điện 8.