08:58 16/01/2025

Cam kết và hành động của các doanh nghiệp công nghệ số Việt để tiến vào kỷ nguyên mới

Nhĩ Anh

Tại diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã chia sẻ về cơ hội mở ra từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và đề xuất nhiều chính sách phát triển mới. Các doanh nghiệp số cũng tiên phong nhận nhiệm vụ, đưa ra cam kết, hành động của mình để tiến vào kỷ nguyên mới...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong nhận nhiệm vụ tiến vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong nhận nhiệm vụ tiến vào kỷ nguyên mới.

Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”. Diễn đàn đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

CAM KẾT ĐẦU TƯ VÀO AI, BÁN DẪN, CÔNG NGHỆ Ô TÔ, CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CHUYỂN ĐỔI  XANH

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ AI, mô hình ngôn ngữ lớn với Tổng bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhận nhiệm vụ này, FPT cam kết sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết số 57, nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Nói về hành trình ra thế giới của Tập đoàn FPT từ hơn 25 năm trước, ông Bình chia sẻ qua những thất bại buổi ban đầu tại Ấn Độ, Mỹ, FPT từng bước có được thành công, đạt 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài. Đó là minh chứng cho khát vọng mở mang bờ cõi trí tuệ Việt Nam, từ những bước đi đầu tiên đầy thách thức đến việc ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình:  Một dân tộc hùng cường không thể thiếu những doanh nghiệp toàn cầu mạnh mẽ. Mỹ có IBM, Microsoft; Nhật Bản có Sony, Hitachi; Trung Quốc có Huawei, Alibaba; Hàn Quốc có Samsung, LG. Việt Nam cũng cần những tập đoàn như vậy để khẳng định vị thế trong tương lai.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình:  Một dân tộc hùng cường không thể thiếu những doanh nghiệp toàn cầu mạnh mẽ. Mỹ có IBM, Microsoft; Nhật Bản có Sony, Hitachi; Trung Quốc có Huawei, Alibaba; Hàn Quốc có Samsung, LG. Việt Nam cũng cần những tập đoàn như vậy để khẳng định vị thế trong tương lai.

“Nghị quyết số 57-NQ/TW chính là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, để trở thành quốc gia hùng cường và dân tộc phồn vinh. Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng là một chỉ dấu quan trọng khi vận hội đất nước đã đến”, ông Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra 4 hành động dành cho Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức và người dân; Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ. Thời gian tới, FPT sẽ thực hiện 3 nội dung quan trọng.

Thứ nhất, FPT cam kết sẽ đầu tư vào Công nghệ trụ cột: Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và chuyển đổi  xanh.

Theo đó, FPT sẽ nỗ lực làm chip AI, tập trung phát triển phần mềm ô tô, vì ô tô đang chuyển từ cơ khí sang phần mềm. FPT đang làm việc với các tập đoàn ô tô ở Mỹ, Châu Âu... FPT tham gia chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, chuyển đổi trí tuệ nhân tạo cho các ngành, các địa phương và cho Giáo dục, Y tế.

Thứ hai, về nhân lực, FPT có 12.000 kỹ sư về AI, được cấp gần 1 vạn chứng chỉ NVIDIA trong thời gian ngắn. FPT cam kết đến 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, tham gia đào tạo kiến thức về AI cho nửa triệu nhân lực.

Thứ ba, FPT cam kết đầu tư vào hạ tầng. Tập đoàn xây dựng 2 nhà máy ở Việt Nam  và Nhật Bản. 5 năm nữa, 2030 sẽ xây dựng 5 nhà máy Trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam là 1 trong các quốc gia cung cấp hạ tầng tính toán về trí tuệ nhân tạo  hàng đầu khu vực.

Các doanh nghiệp công nghệ số khác cũng đưa ra cam kết của đơn vị mình. Chủ tịch Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cam kết, đến năm 2027, VNPT sẽ làm chủ mô hình GenAI Make in Viet Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, thông tin, dữ liệu. Trong đó, mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, người Việt tối thiểu đạt mức độ 100 tỷ tham số, có sự hiểu biết vượt trội về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam, giải quyết được những vấn đề lớn của Việt Nam.

VNPT sẽ làm chủ công nghệ để xây dựng bản sao số cho các thành phố, bao gồm phát triển bản đồ số quốc gia 3D Make in Viet Nam, hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, giao thông, logistics, giáo dục, y tế, công thương, các công trình ngầm, không gian mặt đất, không gian vệ tinh.

Còn Chủ tịch tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính cam kết sẽ xây dựng nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud trở thành nền tảng dẫn đầu Việt Nam, sở hữu năng lực công nghệ của người Việt như công nghệ ảo hóa máy chủ, công nghệ ảo hóa lớp mạng, ảo hóa lưu trữ. Đến năm 2028, CMC sẽ đầu tư một trung tâm điện toán đám mây hàng đầu khu vực với quy mô 80MW, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.

KIẾN NGHỊ BAN HÀNH HƯỚNG DẪN HÌNH THÀNH QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

Đề cập vấn đề làm chủ công nghệ 5G, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel nhấn mạnh: mạng viễn thông 5G có vai trò quan trọng, đóng góp vào việc triển khai các chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối của công nghệ 5G là nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành, lĩnh vực, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế như: Sản xuất thông minh; y tế thông minh; giao thông thông minh, giáo dục thông minh,…

Chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định đến 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, đảm bảo phủ sóng 5G đến 99% dân số.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho biết từ những năm 2018, Viettel đã bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới. Đến nay, các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng trên hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced, để cải tiến tốc độ, mở rộng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp và thực tế ảo tăng cường; Đồng thời tham gia tổ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ 6G dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Viettel, Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…

Để các doanh nghiêp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, ông Thắng kiến nghị ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới.

Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

“Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp”, ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ông Tào Đức Thắng cũng kiến nghị triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược. Viettel kiến nghị Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp…

Chủ tịch Viettel cũng đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.

Theo ông Thắng, việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel sẽ tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.