13:44 05/10/2022

Cận cảnh hàng loạt trụ sở công bỏ hoang tại Thanh Hóa

Thiên Anh

Hàng loạt công sản hiện đang bỏ hoang tại Thanh Hóa, như: Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, Trụ sở cũ Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa, Trụ sở cũ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, một số dãy nhà tại trường THPT chuyên Lam Sơn...

Một dãy nhà tại trường PTTH Chuyến Lam Sơn
Một dãy nhà tại trường PTTH Chuyến Lam Sơn

Tình trạng nhiều trụ sở công được đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ, tọa lạc tại những vị trí đắc địa, có những công trình mới đi vào hoạt động vài năm đã bỏ hoang, đang là một trong những vấn đề nóng tại Thanh Hoá, gây nhức nhối trong dư luận, được cử tri và người dân cực kỳ quan tâm.

Tiền sảnh Trung tâm hội nghị Hàm Rồng
Tiền sảnh Trung tâm hội nghị Hàm Rồng

Trong số những công sản đang bỏ hoang tại Thanh Hóa, trước tiên phải kể đến Trung tâm hội nghị Hàm Rồng. Công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí gần 160 tỷ đồng do Ban quản lý Dự án phát triển toàn diện Kinh tế xã hội thành phố Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Hành lang tòa nhà đã xuống cấp
Hành lang tòa nhà đã xuống cấp

Được khởi công xây dựng tháng 12/2012 tại phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa và được đưa vào sử dụng tháng 11/2014. Tuy nhiên, công trình này đã “đóng cửa” sau hơn 7 năm đưa vào sử dụng, khi trụ sở làm việc mới của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Hải hoàn thành đưa vào sử dụng.

Lá cây rụng không có người quét dọn
Lá cây rụng không có người quét dọn

Ngay từ đầu, việc xác định đầu tư Trung tâm này đã tồn tại nhiều vấn đề. Trên thực tế, chưa bao giờ Trung tâm này được sử dụng đúng mục đích đầu tư ban đầu là phục vụ các sự kiện trọng đại của thành phố Thanh Hóa.

Nhiều hạng mục đã hư hỏng nặng
Nhiều hạng mục đã hư hỏng nặng

Theo tìm hiểu, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất phương án chuyển 5 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh về làm việc tại Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng đang bị bỏ hoang. Tuy nhiên, có thể thấy việc chuyển các đơn vị sự nghiệp về làm việc tại đây chỉ là giải pháp “chữa cháy”.

Dãy phòng học bỏ hoang tại Trường PTTH chuyên Lam Sơn
Dãy phòng học bỏ hoang tại Trường PTTH chuyên Lam Sơn

Tiếp đến, Trường THPT chuyên Lam Sơn sau khi được di chuyển về cơ sở 2 của Trường ĐH Hồng Đức tại số 307 đường Lê Lai, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa, do không sử dụng hết công năng của trường ĐH Hồng Đức cũ nên nhiều dãy nhà rơi vào tình trạng bỏ không nhiều năm, khiến cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều hạng mục xây dựng đẫ trở thành phế tích
Nhiều hạng mục xây dựng đẫ trở thành phế tích

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục để bàn giao khu đất ký túc xá và trường mầm non thực hành của trường ĐH Hồng Đức cũ cho thành phố Thanh Hóa đầu tư xây dựng, cải tạo làm trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân phường Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa.

Rêu mốc mọc khắp nơi
Rêu mốc mọc khắp nơi

Tại Thanh Hóa, không ít sự lãng phí trong đầu tư, sử dụng tài sản công đã và đang diễn ra. Trước đây, Trung tâm hội nghị triển lãm được đầu tư rộng hàng chục ha với kinh phí hàng trăm tỉ suốt một thời gian dài hoạt động cầm chừng, chủ yếu cho thuê bán cây cảnh đào quất trong dịp tết Nguyên đán, trước khi trụ sở Đài truyền hình Thanh Hóa chuyển về đây. Hay như ký túc xá sinh viên ở phường Quảng Thành cũng được xây dựng cao tầng hiện bỏ hoang trơ trọi.

Trụ sở cũ Truyền hình Thanh Hóa bỏ hoang trên phố Hạc Thành
Trụ sở cũ Truyền hình Thanh Hóa bỏ hoang trên phố Hạc Thành

Ngoài ra, nhiều công trình Nhà nước cũng đang bỏ hoang sau khi trụ sở các đơn vị chuyển đến địa điểm mới. Có thể kể đến như trụ sở cũ của Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa trên phố Hạc Thành, trụ sở cũ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trên đại lộ Lê Lợi...

Cận cảnh hàng loạt trụ sở công bỏ hoang tại Thanh Hóa - Ảnh 1Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũ không một bóng người

Cận cảnh hàng loạt trụ sở công bỏ hoang tại Thanh Hóa - Ảnh 2

Trong khuôn viên Truyền hình Thanh Hóa cũ bỏ hoang

Câu chuyện lãng phí, thất thoát vì thế càng trở nên nhức nhối, khi ngay từ đầu, tính cấp thiết cho việc đầu tư xây dựng dự án đã không được tính toán phù hợp với sự phát triển của thành phố Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa được biết đến có rất nhiều huyện miền núi có điều kiện về kinh tế cực kì khó khăn, cơ sở vật chất như: Công Sở, Trạm Y tế xã, Bệnh viện, Trường học... vẫn trong tình trạng thiếu thốn xuống cấp trầm trọng. Điển hình như các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước…